Sử dụng vôi bột để khử khuẩn; sử dụng các loại chế phẩm phục hồi cây và phòng trừ nấm bệnh để xử lý nấm bệnh, tuyến trùng nằm trong đất có thể gây hại cho cây trồng là một trong số những biện pháp cần làm ngay để xử lý môi trường và khôi phục vườn hộ sau lụt.

     Theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên môi trường và Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh, sau lũ lụt, người dân cần khẩn trương thực hiện một số biện pháp để xử lý môi trường và khôi phục vườn hộ, cụ thể như sau:

    I.HƯỚNG DẪN XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NƯỚC SAU BÃO LỤT

     - Xử lý nước sinh hoạt ngập lụt bằng hoá chất Cloramin: Hoá chất sử dụng là cloramin B và cloramin T. Đây là những hóa chất mà Bộ Y tế cấp cho các địa phương để xử lý nước cho nhân dân trong và sau bão lụt. Cloramin B hoặc cloramin T được sử dụng dưới hai dạng: viên 0,25g và bột. Hàm lượng clo hoạt tính của loại bột thông thường là 25%. Nếu khử trùng bằng bột cloramin B thì theo tỷ lệ sau:

Nếu cloramin dạng viên thì 1 viên xử lý được 25 lít nước.

  • 1g cloramin B 25% xử lý được 100 lít nước.
  • 10 gam cloramin B 25% xử lý 1 m3 nước.

Có thể dùng thìa canh để đong bột hóa chất, mỗi thìa canh đầy tương đương 10g, như vậy để khử 300 lít nước cần khoảng 1/3 thìa canh bột cloramin B. Lượng hóa chất khử trùng này phải được hòa tan đều trong nước và để sau 30 phút là có thể dùng được nước. Nước này vẫn phải đun mới uống được.

    Xử lý nước giếng:

- Làm trong nước: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua cho 20 lít nước. Hoà tan lượng phèn cần thiết cho lượng nước cần làm trong, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng xuống đáy rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua thì dùng vải sạch để lọc nước giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi nước trong.

    Khử trùng bằng cloramin T hoặc B:

+ Dạng viên hàm lượng 0,25g, mỗi viên có thể dùng cho 25 lít nước. Nếu khử trùng bằng bột cloramin B, clorua vôi thì theo tỷ lệ sau: 30 lít nước cần 0,3g cloramin B 25% hoặc 0,4g clorua vôi 20%. Có thể dùng thìa canh để đong bột.

hoá chất, mỗi thìa canh đầy tương đương 10 g, như vậy để khử 300lít nước cần khoảng 1/3 thìa canh bột cloramin B. Lượng hoá chất khử trùng này phải được hoà tan đều trong nước và để sau 30 phút là có thể dùng được nước. Nước này vẫn phải đun sôi mới uống được.

+ Về nguyên tắc nước giếng sau khử trùng phải có nồng độ clo thừa là 0,5 - 1,0 mg/lít. Tính lượng cloramin B cần thiết cho giếng nước trên cơ sở nồng độ cần thiết là 10g cloramin B 25%/m3. Có thể dùng một số hóa chất như clorua vôi 20% (13g/m3), hoặc clorua vôi 70% (4g/m3).

 Cách thực hiện:

Múc một gầu nước, hòa lượng hóa chất nói trên vào nước, lưu ý phải khuấy cho tan hết. Tưới đều gầu nước này vào giếng. Thả gầu cho chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên xuống nhẹ nhàng khoảng 10 lần. Dùng nước này dội lên thành giếng để khử trùng, để khoảng 30 phút sau là có thể dùng được. Nước đã khử trùng bằng cloramin vẫn phải đun sôi mới được uống.

Riêng với giếng khoan thì phải bơm hết nước đục và bơm tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó có thể sử dụng được. Cần chú ý làm vệ sinh bơm, sàn giếng.

Chú ý:

Chỉ tiến hành khử trùng nước giếng sau khi đã làm trong. Nếu khử trùng cùng một lúc với làm trong nước bằng phèn chua, thì phèn chua và các chất hữu cơ có mặt trong nước đục sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính. Khi đó clo không còn tác dụng khử trùng nữa.

        II. HƯỚNG DẪN XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG TRONG KHU DÂN CƯ

         - Nước rút đến đâu các gia đình làm vệ sinh nhà cửa và huy động cộng đông làm vệ sinh môi truờng đến đó, vì nếu không làm kịp thời thì sẽ khó đây được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi.

        - Khi nước rút hết, môi trường ô nhiễm nặng nề, có mùi tanh thối do xác súc vật, côn trùng, cây cối thối rữa. Cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế.

        - Dọn đẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quân áo, không treo mặc quần áo ẩm ướt vào một chổ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi phát triển.

        - Làm vệ sinh và tu sửa nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi (nếu không hỏng nặng). Trường hợp nhà tiêu hỏng nặng, chọn nơi cao ráo xa nhà, xa giếng (20m) đào hỗ đi tạm rồi lấp đất, ngăn chặn côn trùng, súc vật tiếp xúc với phân, chờ một vài tuần sửa lại nhà tiêu. Thực hiện việc vệ sinh, thu gom và che chắn hố ủ phân, phân thải phát sinh trong chuồng trại chăn nuôi, hạn chế phân thải, nước thải chăn nuôi phát tán ra môi trường.

        - Thực hiện xử lý xác súc vật chết theo quy trình và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thú y.

        III. CÁC GIẢI PHÁP KHÔI PHỤC VƯỜN HỘ SAU LỤT

I. Về khôi phục vườn:

1. Tiến hành khơi rãnh tiêu thoát nước sao cho nước rút ra một cách nhanh nhất, nước rút tới đâu thì tiến hành tiêu thoát nước cục bộ nội vườn thật kiệt.

2. Rửa sạch bùn, đất bám trên lá, cành, thân cây; cắt tỉa những cành bị gãy, trầy xước, cành bị sâu bệnh, cành lá rậm rạp ở dưới gốc và bên trong tán cây tạo sự thông thoáng cho vườn. Đối với những cây bị gãy cành, nghiêng gốc: Dùng cưa chuyên dụng cưa cành gãy. Tại vị trí cưa nên dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc nấm gốc đồng quét vào vết cưa để hạn chế tác hại của nấm xâm nhập vào cành cây gây hại. Dùng cọc cố định cây đối với các loại lâu năm.

          3. Dọn sạch tàn dư trong vườn hạn chế mầm bệnh lưu tồn, lây lan. Tiến hành xới xáo phá váng để tạo độ thoáng khí giúp cây hô hấp tốt, dùng cào tiến hành xới xáo quanh tán và kết hợp bón phân lân và vôi, lưu ý không nên bón chung vôi với phân hữu cơ và hạn chế việc đi lại trong vườn (khi xới đất hạn chế tối đa việc làm đứt bộ rễ của cây).

4. Sử dụng các loại chế phẩm phục hồi cây và phòng trừ nấm bệnh để xử lý nấm bệnh, tuyến trùng nằm trong đất có thể gây hại cho cây trồng như: Chế phẩm trừ nấm bệnh Elicitor MOCABI, Chế phẩm xử lý môi trường đất BIOPAD,…; hòa nước vôi loãng quét quanh gốc để phòng trừ nấm. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón lá để tăng khả năng phục hồi của cây.

Đối với các cây bị long gốc cần dậm chặt đất, kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ, sử dụng các loại thuốc đặc trị nấm khuẩn tưới gốc theo hướng dẫn (các hoạt chất khuyến cáo sử dụng như: Fosetyl Aluminium, Mancozeb, metalaxyl, Dimethomorph: Các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Aliette 80WG, Ridomil gold 68WG, Insuran 50 WG,…).

5. Đối với những cây thiệt hại nặng như trốc gốc, gãy nhánh nặng khó phục hồi, cần có kế hoạch sử dụng cây giống chất lượng trồng thay thế.

II. Khôi phục hàng rào xanh, cây bóng mát:

          1. Hàng rào xanh: Rửa sạch bùn, đất bám trên lá, cành và thân cây; đối với cây trong bồn đục lỗ để  thoát nước nhanh chóng và trồng bổ sung.

          2. Cây bóng mát: Chống đỡ những cây bị đổ ngã, cắt tỉa cành, nhánh bị gãy và trồng bổ sung.

          III. Thu gom, xử lý rác thải: Thu gom các loại rác thải phát sinh sau lũ trên địa bàn, phân loại rác hữu cơ có thể làm phân sử dụng chế phẩm sinh học (Hatimic, Hatibio,…) để xử lý thành phân hữu cơ vi sinh nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và tạo thành phân bón. Các loại rác khó phân hủy đưa đi xử lý tại khu xử lý tập trung.

IV. Xử lý nước sinh hoạt:

1. Xử lý nước sinh hoạt vùng ngập lũ.

Bước 1: Làm trong nước.

Dùng phèn chua với liều lượng 1g cho 20 lít nước hoặc dùng keo tụ PAC từ 1 đến 4g/1m3 nước, đối với nguồn nước có độ đục thấp; 5 đến 6g/1m3 nước, đối với nước có độ đục trung bình và 7 đến 10g/1m3 nước, đối với nước có độ đục cao. Múc 1 gáo nước, hòa lượng phèn hoặc PAC tương đương với thể tích nước cần làm trong cho tan hết sau đó cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong để sử dụng.

Bước 2:  Khử trùng nước.

Sau khi đã xử lý làm trong nước, nước trong nhưng chưa sạch do đó cần phải tiến hành khử trùng nước trước khi dùng nguồn nước này trong sinh hoạt. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất, hiện nay phổ biến nhất là dùng CloraminB (loại viên 0,25g hoặc dạng bột), hoặc viên Aquatabs 67mg. Một viên CloraminB 0,25g hoặc dạng bột tương đương có thể khử trùng được 25 lít nước; một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước. Khuấy đều chờ khoảng 30 phút là sử dụng được.

2. Xử lý nước giếng để sinh hoạt:

Trong lũ nước ngập hoàn toàn làm cuốn trôi đất, cát, chất thải làm nguồn nước giếng bị ô nhiễm trầm trọng, do đó sau lũ, bà con cần chủ động làm sạch nước trước khi sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống để giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm.

Bước 1: Thau rửa giếng nước.

Đối với các giếng bị ngập, nhất thiết phải thau rửa và khử khuẩn mới sử dụng. Để thau rửa bà con cần:

- Múc nước giếng dội lên thành giếng để trôi đất cát, rác và bùn bẩn bám trên thành và nền giếng.

- Thau vét giếng bằng cách dùng bơm điện hút cạn nước rồi thau vét giếng sạch sẽ.

Bước 2: Tiến hành làm sạch, khử trùng giếng.

Sau khi thau rửa, bà con làm sạch nước bằng cách dùng phèn chua với liều lượng 50g/m3 nước, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa 100g/m3 nước; hoặc 5 – 6g PAC/m3 nước đối với nước giếng đục trung bình, 7 – 10g/m3 nước/m3 nước đối với nước giếng có độ đục cao. Hòa tan hết lượng phèn hoặc PAC cần thiết vào một gàu nước rồi tưới đều lên thành giếng, thả gầu chìm sâu xuống nước rồi kéo lên khoảng 10 lần, để yên 30 phút đến 1 giờ đồng hồ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử khuẩn.

Bước 3: Tiến hành khử khuẩn.

Muốn dùng nước, bà con cần khử khuẩn bằng CloraminB với nồng độ 10g/m3 nước, nghĩa là cứ 1 m3 nước cần 10 g CloraminB, giếng bao nhiêu m3 nước thì nhân lên để sử dụng cho phù hợp. Để khử khuẩn, bà con múc một gàu nước, hòa lượng CloraminB đã tính toán vào nước, khuấy đều tan hết, tưới vào giếng, thả gàu chìm sâu kéo lên 10 lần sau đó để yên 30 phút đến 1 giừ đồng hồ rồi sử dụng.

Lưu ý:  Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt, tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp.

          V. Chuồng trại chăn nuôi:

Khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Thường xuyên theo dõi xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh theo hướng dẫn chuyên ngành.

Thu gom chất thải chăn nuôi, có thể xử lý kết hợp với rác thải hữu cơ phát sinh sau lũ bằng chế phẩm sinh học để làm phân bón.

          VI. Đường giao thông: Đối với các tuyến đường bị sạt lở nền đường, hở hàm ếch tìm cách khôi phục nhanh không để phần mặt đường tiếp tục hư hỏng.

Khơi thông cống rãnh tiêu thoát nước, làm vệ sinh.

VII. Nhà ở và công trình phụ trợ: Ngay sau khi nước rút tiến hành vệ sinh, sắp xếp lại đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp trong gia đình, nhất là tiêu độc, khử trùng phòng trừ dịch bệnh.

          Và thực hiện các nội dung khác theo hướng dẫn, khuyến cáo của chuyên ngành và chính quyền địa phương.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 223.547
    Online: 14