Trong bối cảnh xã hội đang ngày càng phát triển, vai trò của hệ thống trợ giúp xã hội góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo mang tính chất quy luật của nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, các chính sách về trợ giúp xã hội là một điều vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

  • Trợ giúp xã hội là một chủ trương lớn, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị, xã hội, kinh tế quan trọng đồng thời nó cũng là nền tảng thực hiện công bằng xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.

Là một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lại bị ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu; đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nên hiện nay số người cần trợ giúp xã hội của Việt Nam rất lớn. Chính vì vậy, chính sách trợ giúp xã hội có vai trò quan trọng trong việc phần ổn định cuộc sống, nâng cao năng lực phòng chống rủi ro cho các đối tượng.

Thông qua sự trợ giúp của Nhà nước, nhân dân và cộng đồng, chính sách trợ giúp xã hội nhằm bảo đảm thu nhập và các điều kiện sinh sống ở mức tối thiểu (bằng các hình thức và biện pháp khác nhau) đối với các đối tượng gặp rủi ro, bất hạnh, nghèo đói, thiệt thòi trong cuộc sống không đủ khả năng tự lo được cuộc sống của bản thân và gia đình.

Nội dung chính sách trợ giúp xã hội được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 03 năm 2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Cụ thể như sau:

I. Trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng.

  • Đối tượng áp dụng:

1. Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a)  Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi;

b)  Mồ côi cả cha và mẹ;

c)  Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;

d)  Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

đ) Mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

e)  Cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;

g) Cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

h)  Cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

i)   Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

k)  Cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

l)   Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Người thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

3. Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.

4. Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều này (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).

5. Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:

a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

6. Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.

7. Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

8. Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.

  • Chế độ trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng bao gồm:

+ Trợ cấp xã hội hàng tháng

+ Cấp thẻ bảo hiểm y tế

+ Trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề

+ Hỗ trợ chi phí mai táng

  • Hồ sơ thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng: Thực hiện theo Điều 7, Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021.

II. Trợ giúp xã hội khẩn cấp

+ Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu

+ Hỗ trợ chi phí người bị thương nặng 

+ Hỗ trợ chi phí mai táng

+ Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở

+ Hỗ trợ khẩn cấp trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác

+ Hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất.

III. Chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng

Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng, bao gồm:

1. Đối tượng thuộc diện được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng tại cộng đồng bao gồm:

a) Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định này;

b)  Đối tượng quy định tại điểm d khoản 5 Điều 5 Nghị định này;

c)  Đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này.

2. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng bao gồm:

a)  Trẻ em có cả cha và mẹ bị chết, mất tích theo quy định của pháp luật mà không có người thân thích chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng;

b)  Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục, thân thể; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

c)  Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội;

d)  Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Thời gian nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này là không quá 03 tháng. Trường hợp hết thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng mà hộ gia đình, cá nhân không nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển hộ gia đình, cá nhân khác nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời hoặc có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đưa đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội theo quy định..

Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng:

1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này được hưởng các chế độ sau đây:

a) Trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Điều 6 Nghị định này;

b) Cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;

c)  Trợ giúp giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo quy định tại Điều 10 Nghị định này;

d) Hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.

2. Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này khi sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng được hỗ trợ theo quy định sau đây:

a)  Tiền ăn trong thời gian sống tại hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng;

b) Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế;

c) Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội.

3. Chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng

a) Hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng

b) Được hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng

c) Được ưu tiên vay vốn, dạy nghề tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ và chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật liên quan.

Thủ tục nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng: Thực hiện theo Điều 21, Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021.

IV. Chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội

  • Đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội bao gồm:

1. Đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bao gồm:

a)  Đối tượng quy định tại các khoản 1 và 3 Điều 5 của Nghị định này thuộc diện khó khăn không tự lo được cuộc sống và không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng;

b)  Người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người cao tuổi;

c)  Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng trong cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật.

2. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm:

a) Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động;

b)  Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú;

c)  Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Người chưa thành niên, người không còn khả năng lao động là đối tượng thuộc diện chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

4. Thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội tối đa không quá 03 tháng. Trường hợp quá 3 tháng mà không thể đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng thì cơ quan quản lý cấp trên của cơ sở trợ giúp xã hội xem xét, quyết định giải pháp phù hợp.

5. Đối tượng tự nguyện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội bao gồm:

a)  Người cao tuổi thực hiện theo hợp đồng ủy nhiệm chăm sóc;

b) Người không thuộc diện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, không có điều kiện sống tại gia đình, có nhu cầu vào sống tại cơ sở trợ giúp xã hội.

  • Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội bao gồm:

+ Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng;

+ Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế;

+ Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết

+ Cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định;

+ Trường hợp đối tượng đã được hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng quy định tại khoản 1 Điều này thì không được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Thủ tục tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội: Thực hiện theo Điều 28, Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021.

V. Hiệu lực thi hành:

1. Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/03/2021 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2021; 

2. Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Điều 17 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; các điều từ Điều 40 đến Điều 43 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; các điều từ Điều 15 đến Điều 23 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin cùng chuyên mục

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Bản đồ hành chính
       Liên kết website
      Thống kê: 221.520
      Online: 16