Ngày 22/01/2025, đồng chí Dương Đình Phúc - Chủ tịch UBND phường Thạch Trung đã ký Quyết định số 21/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 nhằm tiếp tục cụ thể hóa các nội dung, triển khai chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Chương trình hành động số 09-CTr/Th.Uy ngày 19/10/2022 của Thành ủy Hà Tĩnh về việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/5/2022 về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp giai đoạn 2022-2025.
Kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính phường năm 2025 được ban hành nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính tại địa phương, tạo đột phá trong CCHC năm 2025; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc triển khai nhiệm vụ CCHC. Xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại; tập trung trọng tâm vào cải cách thể chế, cải cách chế độ công vụ, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
1. Mục tiêu chung:
Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện, hiệu lực, hiệu quả phục vụ Nhân dân. Nâng cao thứ hạng về Chỉ số cải cách hành chính trong khối phường xã; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của UBND phường.
2. Một số chỉ tiêu cụ thể:
- Chỉ đạo điều hành CCHC: Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành; tổ chức thực hiện có hiệu quả, chất lượng các nội dung, nhiệm vụ CCHC. Phấn đấu nâng cao thứ hạng CCHC và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của UBND phường.
- Cải cách thể chế: Phấn đấu từ 90% trở lên văn bản QPPL của HĐND, UBND phường được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế theo kết quả rà soát. Từ 80% trở lên văn bản QPPL của cấp trên được tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.
- Cải cách thủ tục hành chính: Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND phường đạt tỷ lệ tối thiểu 95% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%. Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt trên 90%. Tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt trên 60%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt từ 95% trở lên.
- Cải cách tổ chức bộ máy: Cán bộ, công chức phường được phân công rõ ràng, cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ trong thực hiện quản lý nhà nước ở địa phương.
- Cải cách chế độ công vụ: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức phường đủ số lượng, đảm bảo chất lượng theo quy định. Trên 90% cán bộ, công chức có trình độ Đại học trở lên và được chuẩn hoá về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc (trừ các chức danh có quy định khác của cơ quan có thẩm quyền).
- Cải cách tài chính công: Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
- Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và áp dụng ISO: 100% cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số, bảo đảm ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, khai thác dữ liệu số trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của các ngành, các cấp. 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, ứng dụng trên địa bàn theo đúng lộ trình đề ra. Tiếp tục duy trì, cải tiến và áp dụng có hiệu quả HTQLCL theo TCVN ISO 9001:2015 tại UBND phường.
Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Kế hoạch cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trên các nội dung, lĩnh vực, đồng thời giao trách nhiệm cho từng thành viên Ban chỉ đạo CCHC, cán bộ, công chức tham mưu tổ chức thực hiện.
UBND phường đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể: Tăng cường phối hợp với UBND tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia vào các khâu, lĩnh vực trong tiến trình CCHC; nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để phản ánh với cấp ủy, chính quyền góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tư vấn, phản biện và tham gia xây dựng chính quyền các cấp, nhất là trong thực hiện công tác CCHC. Vận động người dân, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, báo chí giám sát việc thực hiện CCHC, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực./.