I. Vị trí địa lý, lịch sử hình thành của Trung tâm Đô thị Hà Tĩnh 1. Vị trí địa lý Trung tâm Đô thị Hà Tĩnh (nay làthành phố Hà Tĩnh) ở tọa độ 180 - 18024’ vĩ độ Bắc, 1050553’ - 1050556’ kinh độ Đông; dọc theo quốc lộ 1A, cách Hà Nội 340km về phía Bắc và cách Biển Đông 10km. Phía Bắc giáp thị trấn huyện Thạch Hà. Phía Nam giáp huyện Cẩm Xuyên. Phía Đông giáp các xã Thạch Khê, Tượng Sơn (huyện Thạch Hà). Phía Tây giáp xã Tân Lâm Hương, Thạch Đài (huyện Thạch Hà). Thành phố có diện tích tự nhiên 56,5496 km2; dân số 110.889 người Thành phố Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, du lịch, dịch vụ của tỉnh, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; thuận lợi trong phát triển và liên kết kinh tế, giao lưu văn hóa - xã hội, thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố Hà Tĩnh còn là đô thị cấp vùng, được đánh giá là một trong những địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Bắc Trung Bộ. Từ thành phố Hà Tĩnh có thể kết nối giao thông liên huyện, liên tỉnh; với mạng lưới đường đô thị hiện có đảm bảo chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu về giao thông đô thị và đối ngoại, góp phần thúc đẩy quan hệ quốc tế, đặc biệt với nước bạn Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và khu vực ASEAN. Với vị trí địa lý quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, cần xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh đặt trong mối liên hệ với sự phát triển chung của tỉnh, của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ, kết nối, giao lưu với các nước bạn Lào, Thái Lan...; trở thành vùng động lực của cả tỉnh, đảm nhận chức năng đầu tàu, trung tâm kết nối với các đô thị và các địa phương trong và ngoài tỉnh.

 

2. Trung tâm Đô thị Hà Tĩnhtrong dòng chảy lịch sử

Theo các tài liệu khảo cổ học và truyền thuyết, cách đây hàng ngàn năm, vùng đất Hà Tĩnh đã có người sinh sống; vùng Hồng Lĩnh ngày nay được gọi là Kinh đô Ngàn Hống -kinh đô đầu tiên của nước Xích Quỷ dưới thời vua Kinh Dương Vương. Thuở Vua Hùng dựng nước Văn Lang, vùng Hà Tĩnh thuộc Bộ Cửu Đức. Thành phố Hà Tĩnh ngày nay là mảnh đất có từ thời dựng nước, thuộc địa bàn nước Văn Lang thời Hùng Vương. Trong thời Bắc thuộc, vùng đất này thuộc quận Cửu Chân, sau đó là huyện Hàm Hoan, quận Cửu Đức, quận Nhật Nam, châu Phúc Lộc. Thời Tiền Lê (980 - 1009), thuộc châu Thạch Hà. Từ năm 1025, đời Lý, thuộc trại Định Phiên; thời Trần - Hồ (1226 - 1407), thuộc châu Nhật Nam; thời thuộc nhà Minh (1407 - 1427), là đất huyện Bàn Thạch, châu Nam Tĩnh. Thời Hậu Lê, thuộc huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, thừa tuyên (rồi xứ, trấn) Nghệ An.

Năm 1831, vua Minh Mệnh thực hn cuộc cải cách hành chính quy mô toàn quốc, chia cả nước làm 30 tỉnh. Tỉnh Hà Tĩnh ra đời trên cơ sở tách hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An lập thành một tỉnh riêng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, danh xưng Hà Tĩnh xuất hiện là một đơn vị hành chính trực thuộc triều đình. Vùng Hà Tĩnh lúc bấy giờ có 02 phủ (phủ Hà Hoa và phủ Đức Quang), 06 huyện (Hương Sơn, La Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Hoa). Là một địa phương nhỏ, nên Tổng đốc Nghệ An kiêm nhiệm cả tỉnh Hà Tĩnh gọi là Tổng đốc An - Tĩnh, dưới có Tuần phủ, Bố chính và Án sát. Về quân đội, có chức Lãnh binh chỉ huy bốn vệ quân. Tuần phủ Hà Tĩnh đầu tiên là Binh bộ Thị lang Nguyễn Danh Giáp.

Từ năm 1831 đến năm 1833, thành Đại Nài được chọn là tỉnh thành tạm thời của tỉnh Hà Tĩnh khi mới thành lập. Cùng thời điểm đó, Tổng đốc An - Tĩnh và Tuần phủ Hà Tĩnh đã chọn đất xã Trung Tiết (thành phố Hà Tĩnh ngày nay) để xây dựng tỉnh thành mới. Năm 1833, triều đình cho phép lập tỉnh thành mới và giao cho Tổng đốc Tạ Quang Cự trông coi, điều động 3.000 quân lính xây dựng.

Năm 1853, vua Tự Đức bỏ đạo Hà Tĩnh lập lại tỉnh Hà Tĩnh gồm những phủ huyện như trước, từ đó về sau, tỉnh Hà Tĩnh còn có một số thay đổi như:Phân lại địa giới giữa các huyện, cắt hoặc sáp nhập một số khu vực vào Nghệ An…

Năm Ất Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 28 (1875), tỉnh Hà Tĩnh được lập lại, lỵ sở dời về xã Trung Tiết. Đến năm Tự Đức thứ 34 (1881), thành Hà Tĩnh được xây dựng bằng gạch và đá ong theo kiểu Vôbăng (Vauban). Tỉnh thành không phải là một đơn vị hành chính mà chỉ là nơi đặt trụ sở của chính quyền tỉnh. Cư dân ngoài thành đều thuộc quyền quản lý của xã Trung Tiết, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa. Khoảng năm 1920, chính quyền có chủ trương “gia quảng” (mở rộng), sáp nhập các xóm Đồng Quế, Xã Tắc, Trung Hậu, Tiền Bạt vào thành Hà Tĩnh, còn về mặt hành chính, những xóm này vẫn thuộc xã Trung Tiết.

Ngày 10 tháng 5 năm Giáp Tý (tức ngày 11/6/1924), vua Khải Định ban hành Sắc lệnh Hoàng gia (Dụ) thành lập Trung tâm đô thị Hà Tĩnh (thị xã Hà Tĩnh). Ngày 30/7/1924, Toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) ra Nghị định chuẩn y Sắc lệnh trên.

Việc thành lập Trung tâm đô thị Hà Tĩnh là cơ sở để chính quyền Pháp xây dựng các công sở, như: Tòa Công sứ, sở Kho bạc, sở Thương chính, Nhà dây thép, sở Y tế, sở Lục lộ (công chính), trường học, sở Giám binh… Về mặt hành chính, lúc bấy giờ tỉnh lỵ được chia thành tám phố: Phố Tiền Môn, trước Cửa Tiền (một đoạn Đường Phan Đình Phùng, từ Thành Đôngđến ngã tư Công ty cổ phần Phát hành sách hiện nay). Phố Hậu Môn, phía trước Cửa Hậu (Đồng Vinh - một đoạn Đường Hải Thượng Lãn Ông hiện nay). Phố Tả Môn, phía trước Cửa Tả (Thành Đông, Đường Nguyễn Trung Thiên hiện nay). Phố Hữu Môn, phía trước Cửa Hữu (một đoạn Đường Nguyễn Công Trứ hiện nay). Phố Tân Giang (bên bờ bắc sông Cụt). Phố Nam Ngạn (bên bờ nam sông Cụt). Phố Hoàn Thị (xung quanh chợ tỉnh). Phố Tịnh Trung (một phần Đường Phan Đình Phùng), khu vực ngã tư (Công ty cổ phần Phát hành sách hiện nay, có thời kỳ gọi là ngã tư Hồng Ký).Trong thành có nhiều hồ nước, hai hồ bán nguyệt trước hành cung và dinh tuần; bên cạnh dinh Bố chính có hồ Thành; trước nhà lao có hồ lớn trồng sen, đến mùa hè sen nở rộ, hương thơm toả ngát cả vùng. Do đó, người ta còn gọi là Thành Sen[2].

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thị xã Hà Tĩnh chỉ là một tỉnh lỵ nhỏ bé với diện tích 2,5km2, dân số hơn 4.400 người.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến (1947 - 1948), các cơ quan, xí nghiệp đều sơ tán về các vùng nông thôn. Quản lý thị xã lúc này là Ủy ban phòng thủ, sau đổi thành Ủy ban kháng chiến thị xã Hà Tĩnh.

Từ năm 1948 đến năm 1957, thị xã Hà Tĩnh không còn trực thuộc tỉnh, mà chỉ là một đơn vị hành chính cấp xã, thuộc huyện Thạch Hà.

Ngày 21/11/1957, Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký Nghị định số 564-NĐ/CP tái thiết thị xã Hà Tĩnh trên cơ sở địa giới hiện tại, thị xã Hà Tĩnh là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh. Ngày 27/4/1960, Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh được thành lập và tiến hành Đại hội lần thứ I. Trong thời kỳ này, thị xã Hà Tĩnh có bốn đường phố là Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Danh Dương và Cao Thắnglà Thành Đông (Nam Ngạn, Tân Giang, Tả Môn), Đồng Quế, Xã Tắc.Năm 1960, thành lập thêm phố Tân Bình, sáp nhập thêm Liên Bình (Thạch Quý), Phú Lạc (Thạch Phú).

Từ năm 1962 - 1964, do yêu cầu xây dựng cơ quan và cho dân hồi cư, thị xã Hà Tĩnh thành lập thêm hai khối phố mới là Trần Thị Hường và Lâm Phước Thọ. Một số bà con từ Thái Lan trở về được sắp xếp ở tập trung vào một vùng giữa Trung Quý và Đồng Quế, lấy tên là khối phố Trần Đức Vịnh. Cũng trong thời gian này, mở rộng và nhập thêm Trung Quý của xã Thạch Yên, Đông Phú của xã Thạch Phú vào thị xã Hà Tĩnh. Thành lập hai hợp tác xã nông nghiệp Bồng Sơn, Đồng Hải. Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW, ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị khóa III, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V (tháng 12/1975), đã thông qua Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh, thị xã Hà Tĩnh không còn là tỉnh lỵ. Tuy là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện nhưng đến năm 1979 vẫn chưa có chính quyền cấp dưới, thị xã Hà Tĩnh vừa làm chức năng cấp huyện, vừa làm chức năng cấp cơ sở trực tiếp quản lý hai tiểu khu Bắc Hà và Nam Hà.

Ngày 14/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định về giải thể các tiểu khu, thành lập phường Bắc Hà và phường Nam Hà thuộc thị xã Hà Tĩnh, có 09 khối phố là: Tân Lập,Trần Thị Hường, Lâm Phước Thọ, Đồng Hải, Lê Bình, Đồng Vinh (thuộc phường Bắc Hà); Thành Đông, Bồng Sơn, Trần Đức Vịnh (thuộc phường Nam Hà).

Ngày 09/9/1989, Kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh khóa XI đã ra Nghị quyết tách 6 xã Thạch Phú, Thạch Quý, Thạch Yên, Thạch Linh, Thạch Trung và Đại Nài của huyện Thạch Hà với tổng diện tích tự nhiên 2.674,74 ha và 22.803 nhân khẩu sáp nhập vào thị xã Hà Tĩnh. Ngày 16/9/1989, Hội đồng Bộ trưởng có quyết định sáp nhập 6 xã trên vào thị xã Hà Tĩnh. Theo đó, thị xã Hà Tĩnh có 02 phường, 06 xã với diện tích đất tự nhiên 2.912,74 ha và dân số 38.110 người.

Ngày 12/8/1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII quyết định tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như trước đây, thị xã Hà Tĩnh trở lại là tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 23/12/1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP về việc thành lập phường Tân Giang, Phường Trần Phú thuộc thị xã Hà Tĩnh. Thị xã Hà Tĩnh có 04 phường, 06 xã với diện tích tự nhiên là 30,6 km2, dân số là 49.410 người.

Tháng 8/2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Hà Tĩnh, trong đó xác định thị xã Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học - kỹ thuật của tỉnh.

Ngày 02/01/2004, Chính phủ có Nghị định số 09/2004/NĐ-CP về việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Hà Tĩnh, cắt 05 xã: Thạch Hạ, Thạch Môn, Thạch Đồng, Thạch Hưng, Thạch Bình của huyện Thạch Hà sáp nhập vào thị xã Hà Tĩnh và chuyển xã Đại Nài thành phường Đại Nài, xã Thạch Phú thành Phường Hà Huy Tập.

Ngày 19/7/2006, Bộ Xây dựng có Quyết định số 1048/QĐ-BXD công nhận thị xã Hà Tĩnh là đô thị loại III.

Ngày 07/02/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính phường, xã thuộc thị xã Hà Tĩnh, chuyển các xã Thạch Linh, Thạch Yên, Thạch Quý thành phường và thành lập Phường Nguyễn Du.

Ngày 28/5/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hà Tĩnh trực thuộc tỉnh.

Ngày 13/02/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 175/QĐ-TTg công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 20/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg công nhận thành phố Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, đặc biệt là thời kỳ trở lại vị trí tỉnh lỵ, thành phố Hà Tĩnh luôn phát huy được vị trí, vai trò của đô thị trung tâm tỉnh lỵ. Thực hiện lời căn dặn và mong muốn của Bác Hồ khi về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957) và phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, lao động sáng tạo; Đảng bộ và Nhân dân thành phố đã không ngừng nỗ lực vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công cuộc đổi mới, hội nhập, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa sự nghiệp cách mạng lên một tầm cao mới.

II. Sự ra đời của tổ chức đảng, quá trình đấu tranh giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

 Từ đầu thế kỷ XX, các trào lưu tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản ở phương Tây, sau đó là tư tưởng cách mạng vô sản từ nước Nga Xô-viết đã được truyền bá rộng rãi vào Việt Nam, làm dấy lên phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nhân dân thị xã Hà Tĩnh đã hăng hái tham gia phong trào đấu tranh sôi nổi chống thực dân, phong kiến.

Tháng 6/1929, các đại biểu tiên tiến trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ mở hội nghị quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Việc ra đời Đông Dương Cộng sản Đảng phù hợp với xu thế lịch sử nên được đại đa số hội viên Thanh niên, đảng viên Tân Việt và Nhân dân hưởng ứng. Nhiều cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nghệ An, Hà Tĩnh được Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn Trung Kỳ bắt liên lạc và thành lập các tổ chức đảng. Tháng 11/1929, tại nhà bà Cu Ba, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, do đồng chí Lê Bá Cảnh làm Bí thư (đây là Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hà Tĩnh). Chi bộ đã ra nghị quyết tổ chức rải truyền đơn ở thị xã Hà Tĩnh vào lúc nửa đêm mùng 06/11/1929 để thiết thực kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga.

Đầu năm 1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước được tổ chức, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, đã quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối tháng 3/1930, để thống nhất về tổ chức và đưa phong trào cách mạng tiến lên, được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Trần Hữu Thiều đã triệu tập Hội nghị tại bến đò Thượng Trụ (huyện Can Lộc), thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lâm thời. Hội nghị chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở, thống nhất tên gọi tất cả các cơ sở đảng là Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng thị xã Hà Tĩnh đổi tên thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thị xã Hà Tĩnh, đồng chí Lê Bá Cảnh - Bí thư Chi bộ được bầu vào Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thị xã Hà Tĩnh năm 1930 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình trưởng thành và phát triển của mảnh đất Thành Sen lịch sử. Từ buổi đầu đã góp phần cùng đồng chí, đồng bào trong tỉnh làm nên Xô viết Nghệ - Tĩnh, cao trào cách mạng rộng lớn trong cả nước.

Để hưởng ứng phong trào đấu tranh trong cả nước, từ năm 1930 - 1939, trên địa bàn thị xã Hà Tĩnh, hàng chục cuộc đấu tranh bãi khóa, rải truyền đơn, đòi thả tự do cho tù nhân, tự do hội họp, đi lại v.v… Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào đấu tranh của Nhân dân ở Nghệ - Tĩnh bị đàn áp, khủng bố khốc liệt. Tòa án Nam triều Hà Tĩnh cho xây dựng thêm một trại giam mới sát nhà lao. Trại giam thị xã Hà Tĩnh có 6 ngôi nhà, mỗi nhà từ 5 đến 10 gian đều chật ních tù nhân. Ngoài ra, chúng còn giam tù chính trị trong các phòng của tòa công sứ, công sở của chính quyền phong kiến Nam triều và dùng mọi cực hình tra tấn hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của những người cộng sản. Trước những thử thách đó, cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân thị xã Hà Tĩnh vẫn giữ trọn tấm lòng son sắt, thủy chung đối với Đảng, đối với cách mạng, không quản ngại gian khổ, hy sinh, góp phần làm nên phong trào cách mạng trên quê hương Thành Sen những năm đầu có Đảng. Biết bao tấm gương sáng ngời xuất hiện để lại cho các thế hệ nối tiếp ngưỡng mộ, biết ơn. Đó là các đồng chí: Nguyễn Huy Lung, Trần Thị Hường, lúc bị xử bắn vẫn giữ vững khí tiết, hiên ngang, bất khuất của người cộng sản làm cho kẻ thù khiếp đảm, nêu gương sáng cho các thế hệnoi theo. Các đồng chí: Trần Thị Liên, Nguyễn Đình Chuyên, Trần Thị Hòa, Trần Thị Hòe… vào tù hôm trước, hôm sau đã vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động; đồng chí Nguyễn Thị Khương bị địch bắt, cạo trọc đầu, đưa đi diễu phố răn đe nhưng vẫn mỉm cười kiêu hãnh trước kẻ thù. Các đồng chí Trần Mộng Bạch, Lê Bá Cảnh, Lê Thanh Bảy, Trần Hậu Toàn, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Trung Lục, Trần Tráng… bị địch bắt và tra tấn nhiều lần nhưng vẫn không sờn lòng, nản chí; đồng chí Nguyễn Chính Lưu - Phó Bí thư Tổng ủy Trung - Môn, trong lúc làm việc bị địch vây bắt, đã ôm tài liệu nhảy xuống sông Đồng Môn. Khi đuối sức, đồng chí phải níu vào mạn thuyền, bị địch lấy lưỡi lê đâm vào người, xâu dây thép vào tay dẫn về đồn. Những hình ảnh cao đẹp ấy có sức cảm hóa mãnh liệt đối với Nhân dân, thôi thúc, cổ vũ tinh thần đấu tranh của đồng đội.

Năm 1945, được sự giúp đỡ của Mặt trận Việt Minh Nghệ - Tĩnh, các đảng viên thị xã Hà Tĩnh gấp rút xây dựng cơ sở Mặt trậnViệt Minh, phát triển các tổ chức quần chúng, thành lập, củng cố các đội tự vệ, du kích trong các khu phố. Bằng những chủ trương và việc làm hợp lòng dân, nên ngay từ lúc mới ra đời, Mặt trận Việt Minh thị xã Hà Tĩnh đã lôi cuốn được đông đảo quần chúng tham gia, kể cả công chức trong chính phủ bù nhìn, các hào lý. Tranh thủ thời cơ thuận lợi, các đảng viên Chi bộ thị xã Hà Tĩnh (bấy lâu hoạt động bí mật) đã tìm cách liên lạc, gấp rút xây dựng cơ sở Việt Minh và phát triển các tổ chức quần chúng; thành lập, củng cố các đội tự vệ, du kích trong tám khối phố; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền Nghị quyết lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương (tháng 5/1941), nhằm làm cho Nhân dân hiểu rõ tình hình lúc bấy giờ. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh thị xã Hà Tĩnh, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng phát triển. Đến đầu tháng 5/1945, phong trào kháng Nhật, cứu nước ở thị xã Hà Tĩnh phát triển mạnh mẽ.

Trước diễn biến nhanh chóng của tình hình, căn cứ vào Chỉ thị của Trung ương, ngày 08/8/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh tổ chức đại hội bàn nhiệm vụ, kế hoạch Tổng khởi nghĩa. Theo quyết định của Đại hội, thị xã Hà Tĩnh nằm trong Phân khu 6 (còn gọi là phân khu Nam Hà). Thực hiện nhiệm vụ chung của Mặt trận Việt Minh liên tỉnh, việc khởi nghĩa giành chính quyền ở trung tâm tỉnh phải biết chớp lấy thời cơ, tránh tổn thất.

Ngày 14/8/1945, tổ chức Việt Minh thị xã bí mật tổ chức mít tinh tại Trường Tiểu học Pháp - Việt để nghe đại diện Việt Minh nói chuyện về tình hình trong nước, thế giới, về thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Sự kiện này làm tăng thêm bầu không khí háo hức trong những ngày tiền khởi nghĩa.

Căn cứ Nghị quyết Việt Minh liên tỉnh, khi thời cơ đến phải khởi nghĩa ở nông thôn trước để hậu thuẫn cho việc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ, ngày 17/8/1945, hai huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Trước khí thế ào ạt của cách mạng, kẻ địch hết sức hoảng loạn. 5 giờ sáng ngày 18/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Phân khu Nam Hà gửi tối hậu thư cho quân Nhật đóng tại thị xã Hà Tĩnh yêu cầu không được can thiệp vào công việc nội bộ của địa phương, đồng thời huy động hàng nghìn người dân thị xã và các vùng phụ cận chuẩn bị biểu tình kéo vào dinh Tỉnh trưởng.

9 giờ sáng ngày 18/8/1945, hàng vạn quần chúng ở thị xã Hà Tĩnh và các vùng phụ cận thuộc hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên như nước vỡ bờ, giương cao cờ đỏ sao vàng, đội ngũ chỉnh tề tiến vào trước lễ đài ở sân vận động thị xã để đón chào sự ra mắt của chính quyền cách mạng tỉnh Hà Tĩnh. Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Chủ tịch đã tuyên bố trước hàng vạn quần chúng những điều khoản hết sức quan trọng: Hủy bỏ mọi luật pháp và các quyền lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội do Nhật, Pháp và chính phủ bù nhìn đặt ra, mọi hoạt động phải thực hiện theo chương trình của Mặt trận Việt Minh, báo tin cho các tỉnh thành trong cả nước cách mạng ở Hà Tĩnh đã giành được thắng lợi.

Ngày 25/8/1945, chính quyền cách mạng lâm thời thị xã Hà Tĩnh cũng được thành lập, do ông Nguyễn Văn Tám làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Sự kiện này là một mốc son trong trang sử đấu tranh giành độc lập của quê hương. Từ đây, cùng với Nhân dân tỉnh nhà và Nhân dân cả nước, thị xã Hà Tĩnh bước sang một trang sử mới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở thị xã Hà Tĩnh là kết quả của sức mạnh quật khởi của Nhân dân theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Với thành công Cách mạng Tháng Tám, lịch sử thị xã Hà Tĩnh bước sang một trang mới.

III. Thị xã Hà Tĩnh xây dựng, củng cố chính quyền  và kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975)

1. Thị xã Hà Tĩnhxây dựng, củng cố chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, do hậu quả của nạn đói, nạn dốt và thù trong, giặc ngoài; chính quyền Cách mạng vừa mới thành lập còn non trẻ đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đảng bộ và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh vừa phải tập trung xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, vừa phải chăm lo bảo đảm đời sống của người dân. Để khẳng định vai trò chủ thể của người dân nước độc lập, thị xã Hà Tĩnh đã đổi tên các khu, phố, tên đường do người Pháp đặt sang tên danh nhân, anh hùng dân tộc của Việt Nam. Ngày 06/01/1946, cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thị xã Hà Tĩnh tưng bừng trong không khí của ngày hội lớn. Cùng với Nhân dân cả tỉnh, trên 97% cử tri thị xã nô nức tham gia bầu cử Quốc hội với niềm tin tưởng vững chắc vào Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 17/02/1946, Nhân dân phấn khởi, tự tin viết lá phiếu chọn người xứng đáng bầu vào các cấp chính quyền.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tại Sài Gòn, quay lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, nhiều thanh niên tự vệ và dân quân thị xã Hà Tĩnh tình nguyện lên đường “Nam tiến” đánh giặc. Trước tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang, luyện tập quân sự, sắm sửa vũ khí sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, thu hút được nhiều thanh niên, công nhân, nông dân cùng tham gia.

Những chiến thắng vang dội khắp các chiến trường trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 làm cho Nhân dân ta vô cùng phấn khởi, hăng hái ủng hộ chiến dịch. Ngày 13/3/1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn, cùng với cả nước, quân và dân thị xã Hà Tĩnh dấy lên phong trào “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng” và phong trào tình nguyện gia nhập Quân đội. Trong đợt huy động lực lượng lần thứ ba, có hàng ngàn thanh niên đăng ký, hàng trăm thanh niên trúng tuyển vào bộ đội, nhiều chiến sĩ đã trực tiếp chiến đấu và anh dũng ngã xuống trên các chiến trường. Hơn 1.000 lượt người tham gia dân công, làm nhiệm vụ mở đường, tải đạn, thồ gạo ra chiến trường.

Ngày 07/5/1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc, tin chiến thắng làm nức lòng quân dân cả nước. Chiến thắng này đã giáng một đòn chí mạng vào chủ nghĩa thực dân cũ, đập tan tham vọng cuối cùng của thực dân Pháp, góp phần quyết định dẫn tới việc ký kết Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương.

Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, thị xã Hà Tĩnh đã góp phần xứng đáng của mình cùng với Nhân dân trong tỉnh lập nên nhiều thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương, cung ứng cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến. Lớp lớp thanh niên thị xã Hà Tĩnh tích cực lên đường nhập ngũ. Không một chiến dịch nào vắng bóng người dân Thành Sen trong đoàn dân công hỏa tuyến. Hết băng động U Bò vào sâu mặt trận Bình - Trị - Thiên, ngược Thượng, Trung Lào, vượt đèo Tam Điệp cho đến Chiến dịch đồng bằng Bắc Bộ, đến chân đồi Him Lam, Độc Lập của Điện Biên Phủ; mặt trận nào cần, họ liền có mặt. Nhiều người đã ngã xuống cho kháng chiến thành công. Trong tổng số 212.373 người đi dân công hỏa tuyến và 30.578 thanh niên tòng quân của Hà Tĩnh, thị xã có hơn 1.000 người (chưa kể các xã phụ cận), hàng trăm lượt người tham gia lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng và bảo vệ hậu phương.

Quân và dân thị xã Hà Tĩnh tất cả một lòng vì sự toàn thắng của cách mạng. Quyết tâm ấy thể hiện rõ trong việc vừa liên tục chiến đấu bảo vệ địa phương, vừa làm tròn nhiệm vụ đối với tiền tuyến, là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về hưởng ứng các cuộc vận động “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, tổ chức “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, “Mua công trái kháng chiến”, “Mùa đông binh sĩ” và phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm. Nhân dân thị xã đã gửi từng bát gạo mà “Mỗi tháng hăm ba - quyết nhịn ăn một bữa” (vè) để góp gió thành bão; gửi hàng vạn đồng “công trái kháng chiến”, “công trái quốc gia”... góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.

2. Thị xã Hà Tĩnh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975)

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bìnhlập lại ở miền Bắc, Nhân dân từ các nơi sơ tán bắt đầu trở về. Công cuộc khôi phục, kiến thiết lại thị xã Hà Tĩnh được tiến hành gấp rút. Các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, các cơ quan chuyên môn, đoàn thể cấp tỉnh cũng lần lượt trở về thị xã.

Niềm vui của Nhân dân thị xã Hà Tĩnh như được nhân lên và tiếp thêm sức mạnh khi được vinh dự thay mặt Nhân dân toàn tỉnh đón Bác Hồ về thăm (15/6/1957). Lúc này, những khó khăn về công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã được giải quyết một bước. Bác căn dặn phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải đoàn kết, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh... Bác khuyên bảo chí tình, khen, chê thẳng thắn và tặng 100 huy hiệu để thưởng những cán bộ và đồng bào có thành tích xuất sắc. Trở về cơ quan Tỉnh ủy, Bác gặp gỡ thăm hỏi một đơn vị bộ đội tập kết. Bác dạo quanh Hồ Sen, đến khắp các nhà làm việc, nói chuyện với cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Chuyến về thăm của Bác tuy thời gian không lâu, nhưng đã để lại trong lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh ấn tượng và tình cảm vô cùng sâu nặng. Những lời dạy bảo ân cần và tình cảm nồng ấm của Bác đã tiếp thêm sức mạnh, củng cố niềm tin son sắt của Nhân dân thị xã đối với Đảng, với cách mạng, cổ vũ mọi người vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt công tác sửa sai cũng như hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch.

Từ năm 1960, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng trở nên quyết liệt. Hằng ngày, tin tức từ miền Nam dội về càng nung nấu thêm lòng yêu nước và chí căm thù giặc của đồng bào miền Bắc. Hướng về miền Nam, cùng với Nhân dân cả nước, cả tỉnh, Nhân dân thị xã đã xuống đường hô vang khẩu hiệu đấu tranh đánh đổ Mỹ và tay sai. Trong thời kỳ này, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, phong trào kết nghĩa Bắc - Nam diễn ra trong cả nước. Hà Tĩnh kết nghĩa với Bình Định, thị xã Hà Tĩnh kết nghĩa với thị xã Quy Nhơn, tiếp đó là kết nghĩa với thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), thị trấn Hồ Xá (khu vực Vĩnh Linh). Quá trình kết nghĩa đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong toàn thị xã với những khẩu hiệu: “Nhơn - Hà quật khởi, rửa hận Đá Bàn”, “Quy Nhơn đấu tranh mạnh, thị xã Hà Tĩnh sản xuất hăng”, “Chiến dịch Bồng Sơn”.

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, ngày 27/4/1960, Tỉnh ủy Hà Tĩnh ra Quyết định số 144-QĐ/TU về việc thành lập Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh. Tháng 5/1960, Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ nhất được tiến hành. Sự thành lập Đảng bộ thị xã là một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của Đảng bộ và Nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Nhân dân thị xã Hà Tĩnh cùng với Nhân dân tỉnh nhà chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất Chủ nghĩa xã hội, dồn sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.Cùng với cả tỉnh, Đảng bộ, quân và dân thị xã Hà Tĩnh bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với một khí thế mới, quyết tâm mới.

Ngày 12/3/1965, Hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng nhận định: “Sắp tới, đế quốc Mỹ nhất định sẽ dùng máy bay đánh vào Hà Tĩnh, mục tiêu trước hết vẫn là các vị trí xung yếu về quốc phòng: Đài quan sát, trạm rađa, doanh trại bộ đội. Hội nghị đề ra nhiệm vụ trước mắt cho Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh là “khẩn trương làm tốt công tác phòng không nhân dân, tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ ngay từ trận đầu”.

Trận đánh ngày 26/3/1965 diễn ra quyết liệt, địch tổn thất nặng nề, ta giành thắng lợi lớn(sau hơn 2 giờ 40 phút chiến đấu, quân dân thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 máy bay Mỹ). Ngày 02/4/1965, hơn 500 đại biểu quân dân, cán bộ, đảng viên tỉnh nhà đã về thị xã dự lễ mừng chiến thắng. Cũng tại buổi lễ này, lực lượng dân quân, tự vệ và cán bộ, công nhân, viên chức thị xã Hà Tĩnh được trao tặng Huân chương Quân công hạng Ba.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi người dân trên mảnh đất này chẳng hề tiếc máu xương sẵn sàng chi viện đắc lực cho tiền tuyến “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, góp phần vào thắnglợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sáng ngày 15/5/1975, sân vận động thị xã đỏ rực băng cờ, khẩu hiệu đón chào hơn 3 vạn Nhân dân về dự lễ mít tinh trong niềm vui chiến thắng. Lực lượng dân quân, tự vệ, đại diện các tầng lớp nhân dân, các ngành, các giới của thị xã vinh dự được thay mặt cho các địa phương khác trong tỉnh tham gia cuộc diễu hành trong không khí hân hoan, tự hào của ngày hội lớn.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trải qua bao gian khổ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân thị xã Hà Tĩnh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt trên con đường cách mạng. Với vị trí tỉnh lỵ của một tỉnh trung tuyến, thị xã Hà Tĩnh phải đương đầu với bao khó khăn, thử thách ác liệt và phải gánh chịu những tổn thất chưa từng thấy, nhà cửa, trường học, cơ quan... trên địa bàn hầu như bị bom đạn san phẳng.Một trong những thành tích quan trọng là trong nhiều năm liên tục, thị xã luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển quân, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong và được công nhận là một trong những đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh. Trong10 năm 1965 - 1975, đã huy động được 4.812 thanh niên nhập ngũ, 2.884 lượt người tham gia thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, riêng năm 1971 vượt 8%. Báo Hà Tĩnhngày 25/3/1972 viết: “Từng trang cuốn sổ vàng ghi tên những người đi đánh Mỹ... Tên người, chữ ký của chính tay những người thanh niên thị xã viết kèm theo đó là lá đơn tình nguyện với mọi kiểu chữ, mọi cách nói, ngắn dài khác nhau. Có nhiều lá đơn và chữ ký với lời hứa quyết tâm viết bằng máu”. Chi đoàn Lý Tự Trọng, Hợp tác xã Hợp Lực đã có 50% đoàn viên và thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Nhiều gia đình có ba, bốn người con, cả cha và con cùng lên đường nhập ngũ. Tổ trực chiến của Chi đoàn Hợp tác xã Hồng Tiến nắm chắc tay súng, trong bốn năm đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ và phối hợp bắn rơi 4 chiếc khác.

Sự cống hiến và hy sinh to lớn của quân và dân thị xã đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Đảng bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Có 8 địa phương, đơn vị là: các phường Đại Nài, Hà Huy Tập, Thạch Linh, Thạch Quý, Văn Yên; các xã Thạch Bình, Thạch Hạ, Thạch Trung, Trung đội súng máy 12,7mm dân quân tự vệ thị xã Hà Tĩnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 03 cá nhânngười thị xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động Trương Sỹ,Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh,Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Hồng.

Ngoài ra, còn rất nhiều chiến sĩ dũng cảm như Lê Sỹ Bích thuộc Đại đội Nguyễn Viết Xuân kiên cường đánh trả máy bay Mỹ và đã anh dũng hy sinh; Nguyễn Văn Tư, là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, chiến đấu gan dạ, dũng cảm, dù bị địch bắt, giam cầm, tra tấn nhưng vẫn một mực kiên trung với Đảng, với tổ chức,cùng đồng đội tiếp tục đấu tranh. Phan Tử Quang bằng tài năng, sáng tạo và ý chí kiên cường, đã góp phần cùng đồng đội và Nhân dân lắp đặt thành công đường ống xăng dầu dài 5.000km, chạy dài từ Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), vượt Trường Sơn vào tới Bù Gia Mập (Đông Nam Bộ), chuyển tải gần 300.000 tấn xăng, phục vụ hơn 10.000 xe vận tải và 1.500 phương tiện cơ động cho chiến trường miền Nam; chị Trần Thị Hường ở Đồng Quế (một trong 10 cô gái), cùng đồng đội đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ ở Ngã ba Đồng Lộc.Đất Thành Sen còn ghi công 10 cô gái núi Nài, 48 thiếu nhi khu phố Thành Đông; Ngô Thị Kim Kiếm, Lê Thị Cúc, Nguyễn Thị Hoa trực suốt ngày đêm nơi trận địa làm nhiệm vụ cứu thương; Bí thư Chi bộ Nguyễn Quán (Thạch Hòa) - Chủ nhiệmHợp tác xã Nguyễn Tiến Trọng dũng cảm cứu người; Xã đội trưởng Nguyễn Duy Thủy (Thạch Linh) “gánh bom đổ xuống vực”; những chiến sĩ dân quân trực chiến ở cầu Đông, cầu Cày, cầu Phủ, núi Nài; xã viên các hợp tác xã Hợp Lực, Động Lực vừa sản xuất vừa trực tiếp bốc xếp hàng hóa, gạo để kịp vận chuyển vào Nam; hay những người công nhân lái xe của công ty Ô tô, đêm đêm đưa hàng qua phà Bến Thủy, sông Gianh... Bao xương máu, mồ hôi, nước mắt của người dân Thành Sen đã đổ xuống vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Trong hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lâu dài và gian khổ, với tinh thần “thà hi sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, quân và dân Thành Sen không hề tiếc máu xương, đóng góp nhân lực, vật lực, tích cực chi viện cho tiền tuyến, cùng Nhân dân cả nước đưa sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, ghi thêm những chiến công hiển hách trong trang sử vàng của quê hương, đất nước. Ghi nhận công lao đóng góp to lớn và những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tháng 12 năm 1998, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hà Tĩnh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

IV. Thị xã Hà Tĩnh thời kỳ nhập tỉnh Nghệ - Tĩnh (1976 - 1991)

Sau ngày đại thắng 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất. Trước năm 1975, về mặt tổ chức, mặc dù là đơn vị trực thuộc tỉnh, nhưng thị xã Hà Tĩnh vừa làm chức năng của cấp hành chính ngang huyện vừa phải làm chức năng của cấp cơ sở. Năm 1977, thành lập hai tiểu khu Bắc Hà và Nam Hà, tiểu khu chưa phải là cấp cơ sở, mà chỉ có ban đại diện chính quyền, được Ủy ban nhân dân thị xã ủy nhiệm điều hành một số công việc ở khối phố.

Ngày 27/12/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V đã quyết nghị phê chuẩn hợp nhất một số tỉnh, trong đó có việc hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ tháng 01/1976, các cơ quan cấp tỉnh hoạt động dưới sự lãnh đạo, quản lý của Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Nghệ Tĩnh. Bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, mặt trận cấp tỉnh của Hà Tĩnh chuyển ra Vinh và sáp nhập với các cơ quan, tổ chức của Nghệ An. Các công ty, xí nghiệp thuộc tỉnh hầu hết cũng chuyển ra Vinh, thị xã Hà Tĩnh không giữ vai trò trung tâm tỉnh lỵ mà chỉ là đô thị phía Nam tỉnh Nghệ Tĩnh.

Ngày 26/3/1976, Nghệ Tĩnh khởi công xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ với dung tích 345 triệu mét khối nước, đủ sức tưới cho 20.000 ha ruộng của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thị xã Hà Tĩnh. Cùng với Nhân dân toàn tỉnh, thị xã đã huy động hàng nghìn lượt dân công, hàng vạn ngày công tham gia công trình đại thủy nông này. Ngoài ra, lực lượng dân công thị xã Hà Tĩnh còn tham gia xây dựng các công trình tiêu úng sông Nghèn, Vách Bắc và nhiều công trình khác.Tháng 6/1976, Đại hội Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh lần thứ IX được tiến hành. Đây là Đại hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất và sáp nhập tỉnh.

Từ những năm đầu thập niên 1980, bằng việc động viên mọi nguồn lực và sự đóng góp lao động của nhân dân, nhiều côngtrình được xây dựng và sửa chữa như: Rạp 26/3, Nhà hát Nhân dân, chợ tỉnh, Đường Phan Đình Phùng, điện chiếu sáng trên một số trục đường chính. Xây hội trường để mít tinh, hội họp; tôn tạo Khu lưu niệm Bác Hồ. Nâng bệnh xá lên thành Bệnh viện thị xã. Huy động hàng nghìn ngày công phát hoang cây cối, đào đất, dồn sức xây dựng Bệnh viện II; xây dựng trường học Nam Hà, Bắc Hà, nhà trẻ Liên Cơ, Trường năng khiếu Thị xã (nay là Trường Lê Văn Thiêm). Đây là những công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống dân sinh.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), trong 05 năm từ 1986 - 1991, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Hà Tĩnhđã giành được những thành tựu nổi bật có ý nghĩa:Tạo một bước chuyển biến mới về nhận thức, quan điểm, tổ chức, cơ chế quản lý, trên cơ sở đó phát triển sản xuất hàng hóa bao gồm nhiều thành phần kinh tế tham gia mà trọng tâm là kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã. Thực hiện tốt hai chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, từ đó giải quyết việc làm, từng bước ổn định đời sống người lao động. Nhanh chóng xây dựng quy hoạch thị xã với quy mô trên ba vạn dân; kết cấu hạ tầng, điện, nước, đường sá được quan tâm.

Trong những năm 1989 - 1990, tình hình quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là cuộc khủng hoảng chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn chống phá quyết liệt các nước xã hội chủ nghĩa. Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Thị xã Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung đứng trước những thử thách cam go. Nhưng với quyết tâm xây dựng thị xã Hà Tĩnh ngày càng vững mạnh về mọi mặt, cấp ủy, chính quyền chủ trương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao sản lượng, chất lượng các sản phẩm, khuyến khích sản xuất mặt hàng mới, mở rộng thị trường tiêu thụ; xác định đúng vị trí của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; coi trọng các yếu tố phục vụ sản xuất. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích nông dân sản xuất thâm canh, tăng năng suất; tăng nguồn vốn trong các hợp tác xã để có điều kiện hỗ trợ cho nông dân. Kịp thời sửa chữa những lệch lạc trong thực hiện cơ chế Khoán 10; tập trung triển khai xây dựng và hoàn thành các công trình Khu lưu niệm Bác Hồ, đường Đồng Vinh, Trạm biến thế 320kW, hệ thống chiếu sáng Đường Phan Đình Phùng, nâng cấp Chợ tỉnh, đường giao thôngcác xã, tuyến đường đi Hộ Độ, Quốc lộ 1A, xây dựng Trạm phát hình, Nhà máy nước.

V. Thị xã Hà Tĩnh sau khi tái lập tỉnh (1991 -  2007)

1. Thị xã Hà Tĩnh trong những năm đầu tái lập tỉnh Hà Tĩnh (1991 - 2000)

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (ngày 16/8/1991) đã quyết định chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ngày 28/8/1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 254-CT/TW về chỉ đạo triển khai cụ thể việc chia tách tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngày 10/9/1991, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (cũ) về việc chia tỉnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại cuộc họp, Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá cao vai trò của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Hà Tĩnh trong quá trình tổ chức sắp xếp, bố trí cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh về sinh sống, làm việc trên địa bàn.

Mặc dù tiếp nhận hàng ngàn người từ Vinh trở về trong khi cơ sở vật chất còn rất khó khăn, bất cập nhưng Đảng bộ và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh đã hết lòng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ tỉnh và gia đình sống và công tác khi về lại thị xã. Đến cuối năm 1991, đã có 73 cơ quan, đoàn thể, tổ chức, trên 2.000 cán bộ, công nhân viên và lực lượng vũ trang về làm việc trên địa bàn thị xã.Trong niềm hân hoan, phấn khởi sau ngày tái lập tỉnh, sáng ngày 02/9/1991, cùng với tỉnh, thị xã Hà Tĩnh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 160 năm thành lập tỉnh - thị xã Hà Tĩnh (1831 - 1991).

Từ cuối năm 1991 trở đi, thị xã Hà Tĩnh đã được các bộ, ngành trung ương quan tâm giúp đỡ và được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh muôn người như một, ra sức phấn đấu vươn lên với niềm tin tưởng vững chắc vào tương lai tốt đẹp của quê hương. Chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo thị xã đã có những đổi thay đáng phấn khởi. Ở phía nam thị xã đã hoàn thành việc xây dựng cầu Phủ, sân vận động thị xã, phía đông khởi công xây dựng cầu Đò Hà…

Năm 1992 - 1993, nhịp điệu xây dựng thị xã Hà Tĩnh càng hối hả, rộn ràng hơn. Các công sở của cơ quan tỉnh khẩn trương được xây dựng. Hơn 1.000 lô đất được bố trí cho cán bộ, công nhân viên mới về làm nhà ở theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Đường điện 110kV được kéo từ thành phố Vinh vào thị xã Hà Tĩnh, xây dựng trạm điện trung gian 2.200kW, Nhà máy nước công suất 5.000m3/ngày do Ôxtrâylia viện trợ, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã có 500 giường bệnh... Thị xã Hà Tĩnh thực sự đổi mới về mọi phương diện, trong điều kiện khó khăn chung, nhưng đã đạt được một số thành quả nhất định. Đó là do sự cố gắng lớn của Đảng bộ và Nhân dân thị xã.

Nhìn lại chặng đường 10 năm tái lập tỉnh (1991 - 2000), thị xã Hà Tĩnh có những bước tiến mới rất cơ bản. Kinh tế tiếp tục phát triển, kết cấu hạ tầng được tăng cường đáng kể; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống Nhân dân nhiều mặt được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Chất lượng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng tốt hơn. Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh nhiều năm được Tỉnh ủy công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Những thành tựu đạt được trên rất đáng phấn khởi, tự hào và có ý nghĩa quan trọng. Đó chính là tiền đề thuận lợi, là động lực to lớn thúc đẩy phong trào, động viên, cổ vũ Nhân dân thị xã Hà Tĩnh vững bước tiến lên với khí thế mới, quyết tâm mới.

2. Quá trình xây dựng, phát triển đô thị loại III, thành lập thành phố Hà Tĩnh (2000 - 2007)

Phấn đấu để đạt đô thị loại III và thành lập thành phố là nguyện vọng của Đảng bộ và Nhân dân thị xã, đồng thời cũng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển đô thị. Nhận thức rõ điều đó, cấp ủy, chính quyền đã xây dựng Đề án quy hoạch thị xã Hà Tĩnh đến năm 2020. Tháng 8/2002, Ủy ban nhân dân tỉnh đãcó Quyết định phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch thị xã Hà Tĩnh nhằm xây dựng thị xã Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại III.

Để tập trung xây dựng đô thị loại III, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/Th.U, ngày 24/12/2002 Về công tác quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trật tự kỷ cương xây dựng đô thị đến năm 2005 và những năm tiếp theo. Nội dung chủ đạo của Nghị quyết là: Trên cơ sở gắn với quy hoạch phát triển chung của tỉnh, đưa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vào nền nếp, đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, coi trọng hạ tầng kỹ thuật ở các xã ngoại thị để chuyển dần xã thành phường. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc. Xây dựng phải đi đôi với tổ chức quản lý, tăng cường kỷ cương văn minh đô thị, coi trọng công tác trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, thoát nước, xử lý chất thải, trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động nguồn lực tham gia quản lý và xây dựng đô thị và coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên địa bàn. Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến những năm đầu của nhiệm kỳ 2005 - 2010, thị xã Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại III.

Việc cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh và thị xã quan tâm quy hoạch thị xã Hà Tĩnh, phấn đấu xây dựng đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư trên địa bàn. Ngày 02/01/2004, Chính phủ có Nghị định số 09/2004/NĐ-CP về việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Hà Tĩnh, sáp nhập 5 xã của huyện Thạch Hà là Thạch Hạ, Thạch Môn, Thạch Đồng, Thạch Hưng, Thạch Bình vào thị xã. Dân số thị xã Hà Tĩnh tăng từ 5 vạn lên gần 8 vạn người.

Như vậy, đến năm 2004, thị xã Hà Tĩnh đã có quá trình hình thành phát triển hơn 170 năm (trong đó có 80 năm được xác lập là Trung tâm đô thị Hà Tĩnh). Sau những lần sáp nhập, chia tách, thị xã Hà Tĩnh có những bước phát triển đáng kể: Từ năm 1975 - 1980, thị xã Hà Tĩnh chỉ có 02 tiểu khu Bắc Hà và Nam Hà. Năm 1981, thành lập 02 phường Bắc Hà và Nam Hà. Năm 1989, mở rộng địa giới hành chính lần thứ nhất, sáp nhập thêm 6 xã của huyện Thạch Hà vào thị xã Hà Tĩnh. Năm 1994, thành lập 02 phường mới là Trần Phú và Tân Giang. Năm 2004, sáp nhập thêm 5 xã của Thạch Hà; xây dựng xã Đại Nài thành phường Đại Nài và xã Thạch Phú thành Phường Hà Huy Tập. Với vị trí địa lý, quy mô diện tích, dân số và kết cấu hạ tầng,… Đối chiếu với quy định, thị xã Hà Tĩnh đã đạt được một số tiêu chí cơ bản đô thị loại III, một số tiêu chí đến ngưỡng, phải phấn đấu đạt được trong những năm tiếp theo.

Trước yêu cầu phát triển thị xã Hà Tĩnh thành đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, ngày 15/12/2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thị xã Hà Tĩnh đến năm 2010 và những năm tiếp theo; ngày 25/12/2004, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/Th.U về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU là trách nhiệm của Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh, của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị; trong đó, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh đóng vai trò hết sức quan trọng. 

Ngày 19/7/2006, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 1048-QĐ/BXD về việc công nhận thị xã Hà Tĩnh là đô thị loại III. Ngày 19/8/2006, cấp ủy, chính quyền thị xã đã tổ chức lễ công bố thị xã Hà Tĩnh là đô thị loại III và tiếp tục phát động phong trào thi đua quyết tâm xây dựng và phát triển thị xã sớm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Trên cơ sở quy hoạch chung thị xã Hà Tĩnh đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, cùng với thị xã Hà Tĩnh xúc tiến bổ sung quy hoạch chung thị xã Hà Tĩnh và vùng phụ cận, đón đầu khai thác mỏ sắt Thạch Khê; lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 các phường trung tâm, các phường mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị phía Bắc cho phù hợp. Khớp nối quy hoạch chi tiết, rà soát, đánh giá tính khả thi để điều chỉnh phù hợp với quy hoạch chung và yêu cầu thực tế trong phát triển đô thị. Khảo sát quy hoạch chi tiết tại các khu vực trọng điểm, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn để quản lý và xây dựng phù hợp, trong đó tập trung khai thác Khu đô thị phía Bắc và phía Nam cầu Phủ, đảm bảo các tiêu chí của đô thị hiện đại, tránh xáo trộn hiện trạng dân cư đã ổn định, tập trung hướng quy hoạch mở rộng trung tâm đô thị ra phía đông bắc dọc theo hai trục Đường phía Nam Ngô Quyền và Đường Nguyễn Du kéo dài.Với cơ chế tài chính đặc thù, tỉnh đã tạo điều kiện cho thị xã Hà Tĩnh chủ động huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị. Trên cơ sở đó, thị xã Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp sử dụng nguồn vốn hiệu quả, xây dựng các công trình đường giao thông, hạ tầng các khu đô thị, trường học, bệnh viện và các công trình phúc lợi công cộng khác. Các công trình trọng điểm của tỉnh như: Đường Phan Đình Phùng kéo dài về phía tây (Đường Hàm Nghi) và hạ tầng đô thị hai bên đường được triển khai. Phối hợp với tỉnh để huy động, sử dụng vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nguồn vốn ODA vào xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.

Tháng 10/2006, đoàn công tác của Bộ Nội vụ về khảo sát, đánh giá các tiêu chí đô thị loại III trên cơ sở Đề án nâng cấp đô thị Hà Tĩnh, việc điều chỉnh địa giới hành chính và dân số các phường, thành lập các phường thuộc thị xã Hà Tĩnh được tiến hành, gồm: Điều chỉnh địa giới hành chính, dân số các xã Thạch Linh, Thạch Quý, Thạch Trung, phường Bắc Hà để thành lập Phường Nguyễn Du; thành lập phường Thạch Linh, phường Thạch Quý trên cơ sở diện tích và dân số còn lại của các xã này sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. Điều chỉnh địa giới hành chính và dân số của phường Tân Giang, xã Thạch Quý và xã Thạch Yên để thành lập phường Văn Yên. Bộ Nội vụ chủ trì cùng các bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ phê duyệt, quyết định nâng cấp thị xã Hà Tĩnh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.Ngày 05/12/2006, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/Th.U Về đẩy mạnh huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đô thị đến năm 2010và những năm tiếp theo.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là sau khi trở thành đô thị loại III, thị xã Hà Tĩnh đã có bước đột phá mạnh mẽ với gần 100 dự án có tổng số vốn đầu tư trên 1.500 tỉ đồng; tạo được sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân, huy động được sức dân, tạo sự chuyển biến bước đầu về ý thức văn minh đô thị. Đến giữa năm 2007, kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc và đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, thị xã Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ công bố Nghị định số 89/2007/NĐ-CP, ngày 28/5/2007 của Chính phủ về việc thành lập thành phố Hà Tĩnh và đón Huân chương Lao động hạng Nhất trong thời kỳ đổi mới.Ngày 20/6/2007, gần 1.000 đại biểu và khách mời trong và ngoài tỉnh, với gần 03 vạn quần chúng nhân dân có mặt tại sân vận động tỉnh để chứng kiến sự kiện lịch sử quan trọng: Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, công bố Nghị định của Chính phủ về việc thành lập thành phố Hà Tĩnh và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thành phố Hà Tĩnh được thành lập là bước phát triển tất yếu, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020; là cơ sở quan trọng tạo điều kiện để phát huy tốt chức năng đô thị của khu vực trung tâm tổng hợp cấp tỉnh, cấp vùng; tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vốn trong và ngoài nước.

Những thành quả đạt được là một quá trình phấn đấu bền bỉ và quyết tâm cao của Đảng bộ và Nhân dân thành phố; là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ, ủng hộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đến Trung ương; hệ thống chính trị và Nhân dân thành phố đã vào cuộc quyết liệt, đoàn kết, huy động tối đa các nguồn lực cùng với cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng với quyết tâm chính trị cao xây dựng thành phố đạt đô thị loại II và phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững.       

VI. Những thành tựu nổi bật của thành phố Hà Tĩnh sau 17 năm thành lập và 5 năm Đô thị loại II

1. Những thành tựu nổi bật

Sau khi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Đây là giai đoạn thành phố tập trung cao độ triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, của thành phố để hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị loại III; đồng thời triển khai thực hiện các tiêu chí của đô thị loại II; tạo bước đột phá mạnh mẽ trong đầu tư xây dựng các công trình, kết cấu hạ tầng quan trọng trên địa bàn, làm thay đổi cơ bản bộ mặt đô thị. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đề ra phương hướng, mục tiêu tổng quát:Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đô thị; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế; chuyển dịch mạnh mẽ kinh tế đô thị; tập trung cao xã hội hóa và huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng và phát triển thành phố. Thực hiện hiệu quả nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Giữ vững ổn định chính trị;nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Với mục tiêu: Xây dựng thành phố Hà Tĩnh giàu mạnh, văn minh, hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh là then chốt; xứng đáng với vị thế trung tâm tỉnh lỵ; đạt đô thị loại II trước năm 2018”.

Trong 03 năm 2016 - 2018, thành phố đã xã hội hóa huy động nguồn lực xây dựng đô thị loại II đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Tập trung hoàn thành quy hoạch sáu khu đô thị mới với diện tích 755 ha; quy hoạch chi tiết một số phường, quy hoạch sử dụng đất thành phố. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai, thành phố đã phối hợp với tỉnh thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chi tiết một số phường, quy hoạch sử dụng đất thành phố đến năm 2020. Thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kết hợp với nâng cấp, chỉnh trang, đầu tư xây dựng mới các công trình kết cấu hạ tầng nhằm thay đổi bộ mặt đô thị và phát triển không gian đô thị. Hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, XIX và XX đề ra đều đạt và vượt kế hoạch.

Thành phố là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh ban hành quy chế đối thoại, tiên phong trong việc thực hiện Quy định tiêu chí đánh giá, chấm điểm, phân loại người đứng đầu đơn vị sự nghiệp và Chủ tịch UBND các phường, xã được tỉnh và các sở, ngành đánh giá cao. Chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phần mềm đánh giá, phân loại, chấm điểm người đứng đầu, tiến tới thực hiện tin học hóa trong khâu đánh giá cán bộ. Ban hành Quyết định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong các cơ quan, đơn vị. Thực hiện hiệu quả các quy chế, quy định đã góp phần  làm hài lòng người dân và doanh nghiệp.

Công tác đối ngoại được quan tâm, đẩy mạnh, thành phố đã tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công, nguồn ODA và nguồn vốn đầu tư khác để triển khai các dự án trọng điểm, dự án quan trọng, cấp bách trên địa bàn. Tiếp tục củng cố, phát triển sâu rộng hơn nữa các mối quan hệ hữu nghị với các đối tác truyền thống như: Huyện Pạc Xăn - tỉnh Bolykhămxay (Lào), Thị xã Nakhon Phanom - Vương Quốc Thái Lan. Đồng thời, thành phố đã phối hợp với tỉnh đảm bảo an toàn tuyệt đối các chuyến thăm, làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế. Tạo được dấu ấn đậm nét về một thành phố xanh, sạch, thân thiện, mến khách, bình yên.

Thành phố trở thành “trái tim” của tỉnh không chỉ thể hiện vị trí, vai trò của đô thị trung tâm trong giai đoạn mới mà còn là trọng trách của thành phố đối với sự phát triển của cả tỉnh. Sự quan tâm này đã thực sự tạo động lực mạnh mẽ, tác động đến tư duy của các cấp chính quyền, mỗi cán bộ và người dân thành phố Hà Tĩnh.Cấp ủy, chính quyền thành phố nâng cao năng lực, tâm huyết, khơi dậy khát vọng của đội ngũ cán bộ để vừa đáp ứng yêu cầu mới, đồng thời tạo sức lan tỏa tinh thần, nghị lực và sức mạnh của toàn dân cho các nhiệm vụ như: Hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II một cách vững chắc; phát huy nguồn lực, huy động xã hội hóa về phát triển hạ tầng, trong đó, ưu tiên phát triển không gian xanh, sạch, đẹp, kết nối với những dự án hạ tầng trọng điểm, tạo thành những trục không gian đô thị mới.

Sau 12 năm phấn đấu và phát triển, với những thành quả đạt được, ngày 13/02/2019 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 175 công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Thành phố Hà Tĩnh tự hào là một trong 29 đô thị loại II của cả nước. Kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,16%; thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 đạt 1.642 tỷ đồng, tăng 8 lần so với năm 2006 (thời điểm đạt đô thị loại III), chiếm 1/3 tổng thu ngân sách của các huyện, thị xã trong toàn tỉnh; thu nhập đầu người ngày càng tăng, đạt 47,3 triệu đồng/năm (tăng 3 lần so với năm 2006); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 2,26%. Không gian đô thị phát triển theo hướng mở rộng bền vững. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bước đầu đặt nền móng khởi động các yếu tố cấu thành đô thị thông minh. Hệ thống giao thông nội thị, giao thông đối ngoại được cải tạo và nâng cấp; hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, các công viên, hồ điều hòa được quan tâm đầu tư tạo cảnh quan và môi trường xanh, sạch cho thành phố.

Ngày 20/4/2019, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố, cũng là niềm vinh dự, động viên, khích lệ lớn lao, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Tĩnh tiếp tục vươn lên giành nhiều thành tựu lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển, đáp ứng kỳ vọng xứng tầm là đầu tàu, kết nối với các đô thị và các địa phương trong tỉnh, khu vực. Từ đây, thành phố được nâng lên một vị thế mới, xung lực mới, sức lan tỏa mới, là tiền đề đặc biệt quan trọng cho giai đoạn xây dựng thành phố Hà Tĩnh có kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; có quy mô phù hợp, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước thông minh, hiện đại, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.

Đề án “Xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Đô thị thông minh đến năm 2025 và những năm tiếp theo” được xây dựng với các mục tiêu mở rộng không gian đô thị, phát triển trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng, đa dạng hình thức kết nối với các tỉnh, khu vực; kinh tế tăng trưởng bền vững, hấp dẫn đầu tư, có các dịch vụ chất lượng cao, môi trường sống hài hòa, thu hút dân cư và lao động; đầu tư một số tuyến giao thông, thoát nước mưa, thoát và xử lý nước thải nhằm kết nối mạng lưới hạ tầng chính đô thị và vùng phụ cận; có các đơn vị quy mô chuẩn quốc tế, có năng lực, cơ sở vật chất chất lượng cao trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... Xây dựng định hướng phát triển không gian theo hướng kết nối với vùng phụ cận và nội thành.

Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tạo niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận, gắn với xây dựng Đề án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh; chấp thuận triển khai 8 dự án về nâng cấp hạ tầng đô thị, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn...

Tập trung thực các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu làm tiền đề mở rộng các “trục” của không gian đô thị theo hướng công nghiệp phía Tây và kinh tế biển về phía đông như: dự án đường vành đai phía Đông thành phố Hà Tĩnh (tổng vốn gần 1.000 tỉ đồng); dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh (tổng vốn hơn 150 triệu USD từ nguồn vốn ADB và đối ứng địa phương); dự án đường Xuân Diệu kéo dài...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, đề ra Mục tiêu: Xây dựng thành phố Hà Tĩnh có kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; có quy mô phù hợp, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước thông minh, hiện đại, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Với vị thế đô thị tỉnh lỵ, đảm nhận chức năng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của tỉnh; trung tâm kết nối vùng với các đô thị ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, các tỉnh bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Sau 5 năm đạt đô thị loại II, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất đạt 11,87%; tổng thu ngân sách đạt 1.213 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư, nâng cấp; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Thành phố đã quyết tâm phủ kín cây xanh bằng Đề án 100.000 cây xanh đô thị, nhằm đa dạng mảng xanh đô thị; xây dựng thành phố không chỉ từng bước thông minh, hiện đại mà còn thân thiện và là nơi đáng sống. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, giáo dục dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng đại trà cũng như học sinh giỏi, tổ chức nhiều hoạt động, mô hình giáo dục bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực; công tác an sinh xã hội được triển khai đồng bộ với nhiều mô hình, cách làm hay. Cải cách hành chính, chuyển đổi số được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường.

2. Định hướng phát triển trong thời gian tới

Một là, Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và hiệu quả hoạt động của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tập trung hướng mạnh về cơ sở. Tăng cường đổi mới, sáng tạo, bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI; mở rộng địa giới gắn với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tập trung huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm; phát triển kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai là,Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược; xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ các dự án biến đổi khí hậu, các tuyến giao thông trọng điểm, dự án thoát nước, dự án ngầm hóa hệ thống điện và cáp viễn thông. Thành phố Hà Tĩnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố; tổ chức, sắp xếp lại đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Đề án thí điểm đô thị thông minh. Theo đó, dự kiến phương án mở rộng thành phố Hà Tĩnh sẽ theo 3 hướng: hướng Tây - mở rộng đô thị vượt qua đường tránh quốc lộ 1, kết nối với khu công nghiệp và đầu mối giao thông cao tốc quốc gia (đường bộ, đường sắt), phát triển những khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ; hướng Nam - mở rộng đô thị kết nối với các khu phát triển hỗn hợp, khai thác cảnh quan hai bên sông Rào Cái, Đại học Hà Tĩnh, khu đào tạo - nghiên cứu và sản xuất; hướng Đông - mở rộng đô thị vượt sông Rào Cái về phía biển Đông để phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị và nông nghiệp công nghệ cao kết nối với chuỗi đô thị ven biển của tỉnh.Các phương án đảm bảo các yếu tố động lực phát triển bền vững cho thành phố, hình thành trọn vẹn không gian theo cả 2 trục Bắc - Nam, Đông - Tây (hiện nay theo trục Bắc - Nam); phát triển sản xuất, hình thành cụm công nghiệp kết hợp trung tâm logistics; kết nối với các khu đào tạo, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của tỉnh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào kỹ năng và đổi mới sáng tạo; phát triển đô thị sang phía Đông để mở rộng không gian hướng ra biển.Cùng với việc mở rộng không gian, thành phố chú trọng đổi mới công tác quy hoạch, đưa ra các phương án quy hoạch không gian tối ưu, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất và mang lại chất lượng sống tốt nhất cho người dân; có tầm nhìn xa, đáp ứng quá trình gia tăng dân số và quy mô dân trong tương lai; đồng bộ với nhiều ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ba là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng. Tiếp tục phát huy những đặc trưng, lợi thế của vùng ven đô để nhân rộng các mô hình; tập trung xây dựng kinh tế nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái bền vững; xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”. Triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá bản sắc văn hóa, tiềm năng du lịch thành phố Hà Tĩnh đến với người dân, du khách và nhà đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường liên kết vùng. Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thành tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với chủ đề “Phát triển xanh”. Tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn, đa giá trị, gắn với dịch vụ, chế biến, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế mặt nước (ngọt, mặn lợ) khu vực sông Đông, sông Phủ, sông Rào Cái....

Bốn là, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược; tích cực bám các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan cấp tỉnh để xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ Dự án thích ứng với biển đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh, các tuyến giao thông trọng điểm, các dự án thoát nước, dự án ngầm hóa hệ thống điện và cáp viễn thông. Phối hợp thực hiện mở rộng địa giới hành chính thành phố; thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 gắn với hoàn thiện các tiêu chí để các xã: Thạch Trung, Thạch Hạ, Thạch Hưng, Đồng Môn lên phường. Phối hợp các sở, ngành và nhà đầu tư nghiên cứu, thống nhất ý tưởng, chuẩn bị các điều kiện, thủ tục đề xuất chủ trương xây dựng Không gian Văn hóa Nguyễn Du - Truyện Kiều. Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị; xây dựng tuyến đường văn minh đô thị theo kế hoạch, chỉnh trang đô thị, nhất là tại các tuyến đường chính của thành phố. Lựa chọn, xây dựng thêm 02 phường đạt chuẩn văn minh đô thị kiểu mẫu. Chỉ đạo xã Đồng Môn đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; các xã: Thạch Hạ, Thạch Trung, Đồng Môn, Thạch Hưng tập trung thực hiện các tiêu chí theo đề án thành lập phường.

Năm là, tổ chức tốt công tác tuyên truyền và các hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể dục, thể thao gắn với các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong quần chúng nhân dân.Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tiếp tục thực hiện “Trường học hạnh phúc”, triển khai xây dựng “Trường học thông minh”, hệ thống mô hình trải nghiệm trong trường học của toàn thành phố.Nâng cao chất lượng khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là chuyển đổi số; chăm lo giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thành phố bình yên.

Bảy là, tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vững mạnh toàn diện; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới phương thức hoạt động và phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong Nhân dân. Thực hiện tốt cải cách hành chính, quy chế dân chủ ở cơ sở. Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phát động các phong trào thi đua, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, góp phần hoàn thành nhiệm vụ có hiệu quả thiết thực.

Quá trình 100 năm hình thành và phát triển (11/6/1924 - 11/6/2024), trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, Trung tâm Đô thị Hà Tĩnh - thành phố Hà Tĩnh luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Với vị thế của một trong những đô thị có bề dày lịch sử, truyền thống; với sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân thành phố và sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, thành phố có nhiều cơ hội để phát triển và trở thành một trong những trung tâm đô thị của vùng Bắc Trung bộ. Nhìn lại chặng đường đã qua, Đảng bộ và Nhân thành phố càng thêm tin tưởng và tự hào quyết tâm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xây dựng thành phố Hà Tĩnh giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với tầm vóc, vị thế đã được xác định.

BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY

 

 

[1] Tính đến ngày 31/12/2023 (theo số liệu của Chi Cục thống kê thành phố Hà Tĩnh).

[2]Theo tác giả Thái Kim Đỉnh, trong cuốn sách Hà Tĩnh - Thành Sen 160 năm, ở đây có truyền thuyết rằng: Xưa kia ở Đạo thành Đại Nài có nhiều sen. Một đêm mưa to gió lớn, người dân địa phương và quan lại tỉnh hết sức ngạc nhiên vì thấy sen mọc đầy trong Hào Thành. Tỉnh thần cho đó là “điềm lành”, bèn tâu xin nhà vua cho dời tỉnh thành về lại Trung Tiết. Từ đó, ngoài tên gọi Tỉnh Thành, người ta còn gọi vùng đất này là “Liên Thành, Thành Sen”. Có người lại cho rằng, kiểu thành Vôbăng trông giống như bông sen tám cánh, nên gọi thế. Thành Nghệ An (Thành Vinh) cũng xây kiểu Vôbăng nhưng người ta lại cho là giống con rùa nên gọi là Quy Thành (Thành Rùa). Dù chỉ là huyền thoại nhưng câu chuyện ấy như một cơ duyên để vùng đất này gắn với loài hoa thơm thảo, thanh cao mà rất đỗi khiêm nhường. Tuy nhiên, tên gọi đất và người Thành Sen lại gắn với những sự kiện lịch sử có thật, đó là: Sự kiện thứ nhất, những năm 1936 - 1939 là thời kỳ có nhiều nét mới trong đời sống văn hóa - tư tưởng của đất nước và cũng chính trong khoảng thời gian này Đảng Cộng sản Đông Dương đã triệt để sử dụng báo chí công khai làm công cụ tuyên truyền, vận động. Từ năm 1937, hàng chục tờ báo của Đảng, của Mặt trận dân chủ nối tiếp nhau ra đời. Để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, các chủ trương mới của Đảng và làm nơi liên lạc, Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh cử đồng chí Lê Bá Cảnh mở hiệu sách Liên thành Thư quán. Đây là nơi lưu giữ nhiều sách báo tiến bộ và nhiều tài liệu sách, báo của Đảng. Hằng ngày, thường có hàng chục đảng viên, thanh niên lui tới mua, đọc sách báo nhằm mở mang kiến thức, nắm bắt tình hình, thời cuộc. Do vậy, hiệu sách thực sự góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng. Sự kiện thứ hai, ngày 15/6/1957, Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh. Sau các cuộc gặp gỡ trò chuyện với cán bộ, nhân dân, chiến sĩ, trưa hôm ấy, trên chiếc cầu ao hồ sen Tỉnh ủy, cạnh Hào Thành, trong ngào ngạt hương sen mùa hạ, Bác của chúng ta với bộ quần áo nâu giản dị, đã trò chuyện với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bác nói: Ca dao nhiều câu nói về sen, chú nào nhớ, đọc nghe. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trả lời: Thưa Bác, vùng này thường có câu hát ru: “Thương chồng nấu cháo le le/Nấu canh hoa lý, nấu chè hạt sen”. Người Thành Sen coi đó là hồng ân của lịch sử, vì vậy, cho đến hôm nay, dù đã 67 năm qua đi nhưng những lời dặn dò và hình ảnh của Người vẫn còn đọng mãi trong các thế hệ người dân Thành Sen. Sự kiện thứ ba, năm 1972, nhân dịp đến dự lễ Đảng bộ và nhân dân thị xã Hà Tĩnh đón nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, đồng chí Nguyễn Xuân Linh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, đã có bài thơ Thành Sen:Thành Sen thơm ngát hoa sen/Hồ sen lịch sử hiện lên bóng người/ Hoa sen sáng rựcbầu trời /Thành Sen tươi đẹp hơn mười năm qua /Hồ Sen mãi mãi nở hoa/Ngày càng rạng rỡ quê nhà - Thành Sen. Như vậy, từ một truyền thuyết, tên gọi Thành Sen đã gắn bó lâu đời với người dân vùng đất này, đã bén rễ, bắt mạch nguồn đi qua mọi thời kỳ lịch sử, người dân tỉnh thành xưa - thị xã Hà Tĩnh và thành phố Hà Tĩnh ngày nay, luôn tự hào trân trọng, gìn giữ quá khứ lịch sử, và đôi khi lịch sử cũng bắt nguồn từ truyền thuyết của dân tộc.

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

100 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

TRUNG TÂM ĐÔ THỊ HÀ TĨNH(11/6/1924 - 11/6/2024)

(Kèm theo Hướng dẫn số 11- HD/Th.U, ngày 15 tháng 5 năm 2024)

 

; có ba xóm TRUNG TÂM ĐÔ THỊ HÀ TĨNH - NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

 

I. Vị trí địa lý, lịch sử hình thành của Trung tâm Đô thị Hà Tĩnh

1. Vị trí địa lý

Trung tâm Đô thị Hà Tĩnh (nay làthành phố Hà Tĩnh) ở tọa độ 180 - 18024’ vĩ độ Bắc, 1050553’ - 1050556’ kinh độ Đông; dọc theo quốc lộ 1A, cách Hà Nội 340km về phía Bắc và cách Biển Đông 10km. Phía Bắc giáp thị trấn huyện Thạch Hà. Phía Nam giáp huyện Cẩm Xuyên. Phía Đông giáp các xã Thạch Khê, Tượng Sơn (huyện Thạch Hà). Phía Tây giáp xã Tân Lâm Hương, Thạch Đài (huyện Thạch Hà). Thành phố có diện tích tự nhiên 56,5496 km2; dân số 110.889 người[1].

Thành phố Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật, du lịch, dịch vụ của tỉnh, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; thuận lợi trong phát triển và liên kết kinh tế, giao lưu văn hóa - xã hội, thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố Hà Tĩnh còn là đô thị cấp vùng, được đánh giá là một trong những địa bàn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Bắc Trung Bộ. Từ thành phố Hà Tĩnh có thể kết nối giao thông liên huyện, liên tỉnh; với mạng lưới đường đô thị hiện có đảm bảo chất lượng tốt, đáp ứng các yêu cầu về giao thông đô thị và đối ngoại, góp phần thúc đẩy quan hệ quốc tế, đặc biệt với nước bạn Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và khu vực ASEAN.

Với vị trí địa lý quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, cần xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh đặt trong mối liên hệ với sự phát triển chung của tỉnh, của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Trung Bộ, kết nối, giao lưu với các nước bạn Lào, Thái Lan...; trở thành vùng động lực của cả tỉnh, đảm nhận chức năng đầu tàu, trung tâm kết nối với các đô thị và các địa phương trong và ngoài tỉnh.

2. Trung tâm Đô thị Hà Tĩnhtrong dòng chảy lịch sử

Theo các tài liệu khảo cổ học và truyền thuyết, cách đây hàng ngàn năm, vùng đất Hà Tĩnh đã có người sinh sống; vùng Hồng Lĩnh ngày nay được gọi là Kinh đô Ngàn Hống -kinh đô đầu tiên của nước Xích Quỷ dưới thời vua Kinh Dương Vương. Thuở Vua Hùng dựng nước Văn Lang, vùng Hà Tĩnh thuộc Bộ Cửu Đức. Thành phố Hà Tĩnh ngày nay là mảnh đất có từ thời dựng nước, thuộc địa bàn nước Văn Lang thời Hùng Vương. Trong thời Bắc thuộc, vùng đất này thuộc quận Cửu Chân, sau đó là huyện Hàm Hoan, quận Cửu Đức, quận Nhật Nam, châu Phúc Lộc. Thời Tiền Lê (980 - 1009), thuộc châu Thạch Hà. Từ năm 1025, đời Lý, thuộc trại Định Phiên; thời Trần - Hồ (1226 - 1407), thuộc châu Nhật Nam; thời thuộc nhà Minh (1407 - 1427), là đất huyện Bàn Thạch, châu Nam Tĩnh. Thời Hậu Lê, thuộc huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, thừa tuyên (rồi xứ, trấn) Nghệ An.

Năm 1831, vua Minh Mệnh thực hiện cuộc cải cách hành chính quy mô toàn quốc, chia cả nước làm 30 tỉnh. Tỉnh Hà Tĩnh ra đời trên cơ sở tách hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An lập thành một tỉnh riêng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, danh xưng Hà Tĩnh xuất hiện là một đơn vị hành chính trực thuộc triều đình. Vùng Hà Tĩnh lúc bấy giờ có 02 phủ (phủ Hà Hoa và phủ Đức Quang), 06 huyện (Hương Sơn, La Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà, Kỳ Hoa). Là một địa phương nhỏ, nên Tổng đốc Nghệ An kiêm nhiệm cả tỉnh Hà Tĩnh gọi là Tổng đốc An - Tĩnh, dưới có Tuần phủ, Bố chính và Án sát. Về quân đội, có chức Lãnh binh chỉ huy bốn vệ quân. Tuần phủ Hà Tĩnh đầu tiên là Binh bộ Thị lang Nguyễn Danh Giáp.

Từ năm 1831 đến năm 1833, thành Đại Nài được chọn là tỉnh thành tạm thời của tỉnh Hà Tĩnh khi mới thành lập. Cùng thời điểm đó, Tổng đốc An - Tĩnh và Tuần phủ Hà Tĩnh đã chọn đất xã Trung Tiết (thành phố Hà Tĩnh ngày nay) để xây dựng tỉnh thành mới. Năm 1833, triều đình cho phép lập tỉnh thành mới và giao cho Tổng đốc Tạ Quang Cự trông coi, điều động 3.000 quân lính xây dựng.

Năm 1853, vua Tự Đức bỏ đạo Hà Tĩnh lập lại tỉnh Hà Tĩnh gồm những phủ huyện như trước, từ đó về sau, tỉnh Hà Tĩnh còn có một số thay đổi như:Phân lại địa giới giữa các huyện, cắt hoặc sáp nhập một số khu vực vào Nghệ An…

Năm Ất Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 28 (1875), tỉnh Hà Tĩnh được lập lại, lỵ sở dời về xã Trung Tiết. Đến năm Tự Đức thứ 34 (1881), thành Hà Tĩnh được xây dựng bằng gạch và đá ong theo kiểu Vôbăng (Vauban). Tỉnh thành không phải là một đơn vị hành chính mà chỉ là nơi đặt trụ sở của chính quyền tỉnh. Cư dân ngoài thành đều thuộc quyền quản lý của xã Trung Tiết, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa. Khoảng năm 1920, chính quyền có chủ trương “gia quảng” (mở rộng), sáp nhập các xóm Đồng Quế, Xã Tắc, Trung Hậu, Tiền Bạt vào thành Hà Tĩnh, còn về mặt hành chính, những xóm này vẫn thuộc xã Trung Tiết.

Ngày 10 tháng 5 năm Giáp Tý (tức ngày 11/6/1924), vua Khải Định ban hành Sắc lệnh Hoàng gia (Dụ) thành lập Trung tâm đô thị Hà Tĩnh (thị xã Hà Tĩnh). Ngày 30/7/1924, Toàn quyền Đông Dương Méclanh (Merlin) ra Nghị định chuẩn y Sắc lệnh trên.

Việc thành lập Trung tâm đô thị Hà Tĩnh là cơ sở để chính quyền Pháp xây dựng các công sở, như: Tòa Công sứ, sở Kho bạc, sở Thương chính, Nhà dây thép, sở Y tế, sở Lục lộ (công chính), trường học, sở Giám binh… Về mặt hành chính, lúc bấy giờ tỉnh lỵ được chia thành tám phố: Phố Tiền Môn, trước Cửa Tiền (một đoạn Đường Phan Đình Phùng, từ Thành Đôngđến ngã tư Công ty cổ phần Phát hành sách hiện nay). Phố Hậu Môn, phía trước Cửa Hậu (Đồng Vinh - một đoạn Đường Hải Thượng Lãn Ông hiện nay). Phố Tả Môn, phía trước Cửa Tả (Thành Đông, Đường Nguyễn Trung Thiên hiện nay). Phố Hữu Môn, phía trước Cửa Hữu (một đoạn Đường Nguyễn Công Trứ hiện nay). Phố Tân Giang (bên bờ bắc sông Cụt). Phố Nam Ngạn (bên bờ nam sông Cụt). Phố Hoàn Thị (xung quanh chợ tỉnh). Phố Tịnh Trung (một phần Đường Phan Đình Phùng), khu vực ngã tư (Công ty cổ phần Phát hành sách hiện nay, có thời kỳ gọi là ngã tư Hồng Ký).Trong thành có nhiều hồ nước, hai hồ bán nguyệt trước hành cung và dinh tuần; bên cạnh dinh Bố chính có hồ Thành; trước nhà lao có hồ lớn trồng sen, đến mùa hè sen nở rộ, hương thơm toả ngát cả vùng. Do đó, người ta còn gọi là Thành Sen[2].

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thị xã Hà Tĩnh chỉ là một tỉnh lỵ nhỏ bé với diện tích 2,5km2, dân số hơn 4.400 người.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến (1947 - 1948), các cơ quan, xí nghiệp đều sơ tán về các vùng nông thôn. Quản lý thị xã lúc này là Ủy ban phòng thủ, sau đổi thành Ủy ban kháng chiến thị xã Hà Tĩnh.

Từ năm 1948 đến năm 1957, thị xã Hà Tĩnh không còn trực thuộc tỉnh, mà chỉ là một đơn vị hành chính cấp xã, thuộc huyện Thạch Hà.

Ngày 21/11/1957, Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký Nghị định số 564-NĐ/CP tái thiết thị xã Hà Tĩnh trên cơ sở địa giới hiện tại, thị xã Hà Tĩnh là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh. Ngày 27/4/1960, Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh được thành lập và tiến hành Đại hội lần thứ I. Trong thời kỳ này, thị xã Hà Tĩnh có bốn đường phố là Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Danh Dương và Cao Thắnglà Thành Đông (Nam Ngạn, Tân Giang, Tả Môn), Đồng Quế, Xã Tắc.Năm 1960, thành lập thêm phố Tân Bình, sáp nhập thêm Liên Bình (Thạch Quý), Phú Lạc (Thạch Phú).

Từ năm 1962 - 1964, do yêu cầu xây dựng cơ quan và cho dân hồi cư, thị xã Hà Tĩnh thành lập thêm hai khối phố mới là Trần Thị Hường và Lâm Phước Thọ. Một số bà con từ Thái Lan trở về được sắp xếp ở tập trung vào một vùng giữa Trung Quý và Đồng Quế, lấy tên là khối phố Trần Đức Vịnh. Cũng trong thời gian này, mở rộng và nhập thêm Trung Quý của xã Thạch Yên, Đông Phú của xã Thạch Phú vào thị xã Hà Tĩnh. Thành lập hai hợp tác xã nông nghiệp Bồng Sơn, Đồng Hải. Sau khi đất nước thống nhất, thực hiện Nghị quyết số 245-NQ/TW, ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị khóa III, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa V (tháng 12/1975), đã thông qua Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh, thị xã Hà Tĩnh không còn là tỉnh lỵ. Tuy là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện nhưng đến năm 1979 vẫn chưa có chính quyền cấp dưới, thị xã Hà Tĩnh vừa làm chức năng cấp huyện, vừa làm chức năng cấp cơ sở trực tiếp quản lý hai tiểu khu Bắc Hà và Nam Hà.

Ngày 14/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định về giải thể các tiểu khu, thành lập phường Bắc Hà và phường Nam Hà thuộc thị xã Hà Tĩnh, có 09 khối phố là: Tân Lập,Trần Thị Hường, Lâm Phước Thọ, Đồng Hải, Lê Bình, Đồng Vinh (thuộc phường Bắc Hà); Thành Đông, Bồng Sơn, Trần Đức Vịnh (thuộc phường Nam Hà).

Ngày 09/9/1989, Kỳ họp thứ 16 Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh khóa XI đã ra Nghị quyết tách 6 xã Thạch Phú, Thạch Quý, Thạch Yên, Thạch Linh, Thạch Trung và Đại Nài của huyện Thạch Hà với tổng diện tích tự nhiên 2.674,74 ha và 22.803 nhân khẩu sáp nhập vào thị xã Hà Tĩnh. Ngày 16/9/1989, Hội đồng Bộ trưởng có quyết định sáp nhập 6 xã trên vào thị xã Hà Tĩnh. Theo đó, thị xã Hà Tĩnh có 02 phường, 06 xã với diện tích đất tự nhiên 2.912,74 ha và dân số 38.110 người.

Ngày 12/8/1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII quyết định tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh như trước đây, thị xã Hà Tĩnh trở lại là tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 23/12/1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP về việc thành lập phường Tân Giang, Phường Trần Phú thuộc thị xã Hà Tĩnh. Thị xã Hà Tĩnh có 04 phường, 06 xã với diện tích tự nhiên là 30,6 km2, dân số là 49.410 người.

Tháng 8/2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh có quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Hà Tĩnh, trong đó xác định thị xã Hà Tĩnh là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học - kỹ thuật của tỉnh.

Ngày 02/01/2004, Chính phủ có Nghị định số 09/2004/NĐ-CP về việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Hà Tĩnh, cắt 05 xã: Thạch Hạ, Thạch Môn, Thạch Đồng, Thạch Hưng, Thạch Bình của huyện Thạch Hà sáp nhập vào thị xã Hà Tĩnh và chuyển xã Đại Nài thành phường Đại Nài, xã Thạch Phú thành Phường Hà Huy Tập.

Ngày 19/7/2006, Bộ Xây dựng có Quyết định số 1048/QĐ-BXD công nhận thị xã Hà Tĩnh là đô thị loại III.

Ngày 07/02/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính phường, xã thuộc thị xã Hà Tĩnh, chuyển các xã Thạch Linh, Thạch Yên, Thạch Quý thành phường và thành lập Phường Nguyễn Du.

Ngày 28/5/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hà Tĩnh trực thuộc tỉnh.

Ngày 13/02/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 175/QĐ-TTg công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 20/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg công nhận thành phố Hà Tĩnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, đặc biệt là thời kỳ trở lại vị trí tỉnh lỵ, thành phố Hà Tĩnh luôn phát huy được vị trí, vai trò của đô thị trung tâm tỉnh lỵ. Thực hiện lời căn dặn và mong muốn của Bác Hồ khi về thăm Hà Tĩnh (15/6/1957) và phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, lao động sáng tạo; Đảng bộ và Nhân dân thành phố đã không ngừng nỗ lực vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công cuộc đổi mới, hội nhập, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa sự nghiệp cách mạng lên một tầm cao mới.

II. Sự ra đời của tổ chức đảng, quá trình đấu tranh giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

 Từ đầu thế kỷ XX, các trào lưu tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản ở phương Tây, sau đó là tư tưởng cách mạng vô sản từ nước Nga Xô-viết đã được truyền bá rộng rãi vào Việt Nam, làm dấy lên phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nhân dân thị xã Hà Tĩnh đã hăng hái tham gia phong trào đấu tranh sôi nổi chống thực dân, phong kiến.

Tháng 6/1929, các đại biểu tiên tiến trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kỳ mở hội nghị quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Việc ra đời Đông Dương Cộng sản Đảng phù hợp với xu thế lịch sử nên được đại đa số hội viên Thanh niên, đảng viên Tân Việt và Nhân dân hưởng ứng. Nhiều cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nghệ An, Hà Tĩnh được Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn Trung Kỳ bắt liên lạc và thành lập các tổ chức đảng. Tháng 11/1929, tại nhà bà Cu Ba, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, do đồng chí Lê Bá Cảnh làm Bí thư (đây là Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hà Tĩnh). Chi bộ đã ra nghị quyết tổ chức rải truyền đơn ở thị xã Hà Tĩnh vào lúc nửa đêm mùng 06/11/1929 để thiết thực kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga.

Đầu năm 1930, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước được tổ chức, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, đã quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối tháng 3/1930, để thống nhất về tổ chức và đưa phong trào cách mạng tiến lên, được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Trần Hữu Thiều đã triệu tập Hội nghị tại bến đò Thượng Trụ (huyện Can Lộc), thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lâm thời. Hội nghị chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở, thống nhất tên gọi tất cả các cơ sở đảng là Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng thị xã Hà Tĩnh đổi tên thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thị xã Hà Tĩnh, đồng chí Lê Bá Cảnh - Bí thư Chi bộ được bầu vào Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh. Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thị xã Hà Tĩnh năm 1930 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình trưởng thành và phát triển của mảnh đất Thành Sen lịch sử. Từ buổi đầu đã góp phần cùng đồng chí, đồng bào trong tỉnh làm nên Xô viết Nghệ - Tĩnh, cao trào cách mạng rộng lớn trong cả nước.

Để hưởng ứng phong trào đấu tranh trong cả nước, từ năm 1930 - 1939, trên địa bàn thị xã Hà Tĩnh, hàng chục cuộc đấu tranh bãi khóa, rải truyền đơn, đòi thả tự do cho tù nhân, tự do hội họp, đi lại v.v… Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, phong trào đấu tranh của Nhân dân ở Nghệ - Tĩnh bị đàn áp, khủng bố khốc liệt. Tòa án Nam triều Hà Tĩnh cho xây dựng thêm một trại giam mới sát nhà lao. Trại giam thị xã Hà Tĩnh có 6 ngôi nhà, mỗi nhà từ 5 đến 10 gian đều chật ních tù nhân. Ngoài ra, chúng còn giam tù chính trị trong các phòng của tòa công sứ, công sở của chính quyền phong kiến Nam triều và dùng mọi cực hình tra tấn hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của những người cộng sản. Trước những thử thách đó, cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân thị xã Hà Tĩnh vẫn giữ trọn tấm lòng son sắt, thủy chung đối với Đảng, đối với cách mạng, không quản ngại gian khổ, hy sinh, góp phần làm nên phong trào cách mạng trên quê hương Thành Sen những năm đầu có Đảng. Biết bao tấm gương sáng ngời xuất hiện để lại cho các thế hệ nối tiếp ngưỡng mộ, biết ơn. Đó là các đồng chí: Nguyễn Huy Lung, Trần Thị Hường, lúc bị xử bắn vẫn giữ vững khí tiết, hiên ngang, bất khuất của người cộng sản làm cho kẻ thù khiếp đảm, nêu gương sáng cho các thế hệnoi theo. Các đồng chí: Trần Thị Liên, Nguyễn Đình Chuyên, Trần Thị Hòa, Trần Thị Hòe… vào tù hôm trước, hôm sau đã vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động; đồng chí Nguyễn Thị Khương bị địch bắt, cạo trọc đầu, đưa đi diễu phố răn đe nhưng vẫn mỉm cười kiêu hãnh trước kẻ thù. Các đồng chí Trần Mộng Bạch, Lê Bá Cảnh, Lê Thanh Bảy, Trần Hậu Toàn, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Trung Lục, Trần Tráng… bị địch bắt và tra tấn nhiều lần nhưng vẫn không sờn lòng, nản chí; đồng chí Nguyễn Chính Lưu - Phó Bí thư Tổng ủy Trung - Môn, trong lúc làm việc bị địch vây bắt, đã ôm tài liệu nhảy xuống sông Đồng Môn. Khi đuối sức, đồng chí phải níu vào mạn thuyền, bị địch lấy lưỡi lê đâm vào người, xâu dây thép vào tay dẫn về đồn. Những hình ảnh cao đẹp ấy có sức cảm hóa mãnh liệt đối với Nhân dân, thôi thúc, cổ vũ tinh thần đấu tranh của đồng đội.

Năm 1945, được sự giúp đỡ của Mặt trận Việt Minh Nghệ - Tĩnh, các đảng viên thị xã Hà Tĩnh gấp rút xây dựng cơ sở Mặt trậnViệt Minh, phát triển các tổ chức quần chúng, thành lập, củng cố các đội tự vệ, du kích trong các khu phố. Bằng những chủ trương và việc làm hợp lòng dân, nên ngay từ lúc mới ra đời, Mặt trận Việt Minh thị xã Hà Tĩnh đã lôi cuốn được đông đảo quần chúng tham gia, kể cả công chức trong chính phủ bù nhìn, các hào lý. Tranh thủ thời cơ thuận lợi, các đảng viên Chi bộ thị xã Hà Tĩnh (bấy lâu hoạt động bí mật) đã tìm cách liên lạc, gấp rút xây dựng cơ sở Việt Minh và phát triển các tổ chức quần chúng; thành lập, củng cố các đội tự vệ, du kích trong tám khối phố; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền Nghị quyết lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương (tháng 5/1941), nhằm làm cho Nhân dân hiểu rõ tình hình lúc bấy giờ. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh thị xã Hà Tĩnh, phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng phát triển. Đến đầu tháng 5/1945, phong trào kháng Nhật, cứu nước ở thị xã Hà Tĩnh phát triển mạnh mẽ.

Trước diễn biến nhanh chóng của tình hình, căn cứ vào Chỉ thị của Trung ương, ngày 08/8/1945, Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh tổ chức đại hội bàn nhiệm vụ, kế hoạch Tổng khởi nghĩa. Theo quyết định của Đại hội, thị xã Hà Tĩnh nằm trong Phân khu 6 (còn gọi là phân khu Nam Hà). Thực hiện nhiệm vụ chung của Mặt trận Việt Minh liên tỉnh, việc khởi nghĩa giành chính quyền ở trung tâm tỉnh phải biết chớp lấy thời cơ, tránh tổn thất.

Ngày 14/8/1945, tổ chức Việt Minh thị xã bí mật tổ chức mít tinh tại Trường Tiểu học Pháp - Việt để nghe đại diện Việt Minh nói chuyện về tình hình trong nước, thế giới, về thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Sự kiện này làm tăng thêm bầu không khí háo hức trong những ngày tiền khởi nghĩa.

Căn cứ Nghị quyết Việt Minh liên tỉnh, khi thời cơ đến phải khởi nghĩa ở nông thôn trước để hậu thuẫn cho việc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ, ngày 17/8/1945, hai huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Trước khí thế ào ạt của cách mạng, kẻ địch hết sức hoảng loạn. 5 giờ sáng ngày 18/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Phân khu Nam Hà gửi tối hậu thư cho quân Nhật đóng tại thị xã Hà Tĩnh yêu cầu không được can thiệp vào công việc nội bộ của địa phương, đồng thời huy động hàng nghìn người dân thị xã và các vùng phụ cận chuẩn bị biểu tình kéo vào dinh Tỉnh trưởng.

9 giờ sáng ngày 18/8/1945, hàng vạn quần chúng ở thị xã Hà Tĩnh và các vùng phụ cận thuộc hai huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên như nước vỡ bờ, giương cao cờ đỏ sao vàng, đội ngũ chỉnh tề tiến vào trước lễ đài ở sân vận động thị xã để đón chào sự ra mắt của chính quyền cách mạng tỉnh Hà Tĩnh. Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Chủ tịch đã tuyên bố trước hàng vạn quần chúng những điều khoản hết sức quan trọng: Hủy bỏ mọi luật pháp và các quyền lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội do Nhật, Pháp và chính phủ bù nhìn đặt ra, mọi hoạt động phải thực hiện theo chương trình của Mặt trận Việt Minh, báo tin cho các tỉnh thành trong cả nước cách mạng ở Hà Tĩnh đã giành được thắng lợi.

Ngày 25/8/1945, chính quyền cách mạng lâm thời thị xã Hà Tĩnh cũng được thành lập, do ông Nguyễn Văn Tám làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Sự kiện này là một mốc son trong trang sử đấu tranh giành độc lập của quê hương. Từ đây, cùng với Nhân dân tỉnh nhà và Nhân dân cả nước, thị xã Hà Tĩnh bước sang một trang sử mới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở thị xã Hà Tĩnh là kết quả của sức mạnh quật khởi của Nhân dân theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Với thành công Cách mạng Tháng Tám, lịch sử thị xã Hà Tĩnh bước sang một trang mới.

III. Thị xã Hà Tĩnh xây dựng, củng cố chính quyền  và kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975)

1. Thị xã Hà Tĩnhxây dựng, củng cố chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, do hậu quả của nạn đói, nạn dốt và thù trong, giặc ngoài; chính quyền Cách mạng vừa mới thành lập còn non trẻ đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đảng bộ và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh vừa phải tập trung xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, vừa phải chăm lo bảo đảm đời sống của người dân. Để khẳng định vai trò chủ thể của người dân nước độc lập, thị xã Hà Tĩnh đã đổi tên các khu, phố, tên đường do người Pháp đặt sang tên danh nhân, anh hùng dân tộc của Việt Nam. Ngày 06/01/1946, cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thị xã Hà Tĩnh tưng bừng trong không khí của ngày hội lớn. Cùng với Nhân dân cả tỉnh, trên 97% cử tri thị xã nô nức tham gia bầu cử Quốc hội với niềm tin tưởng vững chắc vào Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 17/02/1946, Nhân dân phấn khởi, tự tin viết lá phiếu chọn người xứng đáng bầu vào các cấp chính quyền.

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng tại Sài Gòn, quay lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng lời kêu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, nhiều thanh niên tự vệ và dân quân thị xã Hà Tĩnh tình nguyện lên đường “Nam tiến” đánh giặc. Trước tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang, luyện tập quân sự, sắm sửa vũ khí sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, thu hút được nhiều thanh niên, công nhân, nông dân cùng tham gia.

Những chiến thắng vang dội khắp các chiến trường trong Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 làm cho Nhân dân ta vô cùng phấn khởi, hăng hái ủng hộ chiến dịch. Ngày 13/3/1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn, cùng với cả nước, quân và dân thị xã Hà Tĩnh dấy lên phong trào “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng” và phong trào tình nguyện gia nhập Quân đội. Trong đợt huy động lực lượng lần thứ ba, có hàng ngàn thanh niên đăng ký, hàng trăm thanh niên trúng tuyển vào bộ đội, nhiều chiến sĩ đã trực tiếp chiến đấu và anh dũng ngã xuống trên các chiến trường. Hơn 1.000 lượt người tham gia dân công, làm nhiệm vụ mở đường, tải đạn, thồ gạo ra chiến trường.

Ngày 07/5/1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc, tin chiến thắng làm nức lòng quân dân cả nước. Chiến thắng này đã giáng một đòn chí mạng vào chủ nghĩa thực dân cũ, đập tan tham vọng cuối cùng của thực dân Pháp, góp phần quyết định dẫn tới việc ký kết Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình trên toàn cõi Đông Dương.

Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, thị xã Hà Tĩnh đã góp phần xứng đáng của mình cùng với Nhân dân trong tỉnh lập nên nhiều thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc hậu phương, cung ứng cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến. Lớp lớp thanh niên thị xã Hà Tĩnh tích cực lên đường nhập ngũ. Không một chiến dịch nào vắng bóng người dân Thành Sen trong đoàn dân công hỏa tuyến. Hết băng động U Bò vào sâu mặt trận Bình - Trị - Thiên, ngược Thượng, Trung Lào, vượt đèo Tam Điệp cho đến Chiến dịch đồng bằng Bắc Bộ, đến chân đồi Him Lam, Độc Lập của Điện Biên Phủ; mặt trận nào cần, họ liền có mặt. Nhiều người đã ngã xuống cho kháng chiến thành công. Trong tổng số 212.373 người đi dân công hỏa tuyến và 30.578 thanh niên tòng quân của Hà Tĩnh, thị xã có hơn 1.000 người (chưa kể các xã phụ cận), hàng trăm lượt người tham gia lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng và bảo vệ hậu phương.

Quân và dân thị xã Hà Tĩnh tất cả một lòng vì sự toàn thắng của cách mạng. Quyết tâm ấy thể hiện rõ trong việc vừa liên tục chiến đấu bảo vệ địa phương, vừa làm tròn nhiệm vụ đối với tiền tuyến, là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về hưởng ứng các cuộc vận động “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, tổ chức “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, “Mua công trái kháng chiến”, “Mùa đông binh sĩ” và phong trào tăng gia sản xuất, tiết kiệm. Nhân dân thị xã đã gửi từng bát gạo mà “Mỗi tháng hăm ba - quyết nhịn ăn một bữa” (vè) để góp gió thành bão; gửi hàng vạn đồng “công trái kháng chiến”, “công trái quốc gia”... góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.

2. Thị xã Hà Tĩnh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975)

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bìnhlập lại ở miền Bắc, Nhân dân từ các nơi sơ tán bắt đầu trở về. Công cuộc khôi phục, kiến thiết lại thị xã Hà Tĩnh được tiến hành gấp rút. Các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, các cơ quan chuyên môn, đoàn thể cấp tỉnh cũng lần lượt trở về thị xã.

Niềm vui của Nhân dân thị xã Hà Tĩnh như được nhân lên và tiếp thêm sức mạnh khi được vinh dự thay mặt Nhân dân toàn tỉnh đón Bác Hồ về thăm (15/6/1957). Lúc này, những khó khăn về công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã được giải quyết một bước. Bác căn dặn phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải đoàn kết, xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh... Bác khuyên bảo chí tình, khen, chê thẳng thắn và tặng 100 huy hiệu để thưởng những cán bộ và đồng bào có thành tích xuất sắc. Trở về cơ quan Tỉnh ủy, Bác gặp gỡ thăm hỏi một đơn vị bộ đội tập kết. Bác dạo quanh Hồ Sen, đến khắp các nhà làm việc, nói chuyện với cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Chuyến về thăm của Bác tuy thời gian không lâu, nhưng đã để lại trong lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh ấn tượng và tình cảm vô cùng sâu nặng. Những lời dạy bảo ân cần và tình cảm nồng ấm của Bác đã tiếp thêm sức mạnh, củng cố niềm tin son sắt của Nhân dân thị xã đối với Đảng, với cách mạng, cổ vũ mọi người vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt công tác sửa sai cũng như hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch.

Từ năm 1960, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng trở nên quyết liệt. Hằng ngày, tin tức từ miền Nam dội về càng nung nấu thêm lòng yêu nước và chí căm thù giặc của đồng bào miền Bắc. Hướng về miền Nam, cùng với Nhân dân cả nước, cả tỉnh, Nhân dân thị xã đã xuống đường hô vang khẩu hiệu đấu tranh đánh đổ Mỹ và tay sai. Trong thời kỳ này, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, phong trào kết nghĩa Bắc - Nam diễn ra trong cả nước. Hà Tĩnh kết nghĩa với Bình Định, thị xã Hà Tĩnh kết nghĩa với thị xã Quy Nhơn, tiếp đó là kết nghĩa với thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), thị trấn Hồ Xá (khu vực Vĩnh Linh). Quá trình kết nghĩa đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong toàn thị xã với những khẩu hiệu: “Nhơn - Hà quật khởi, rửa hận Đá Bàn”, “Quy Nhơn đấu tranh mạnh, thị xã Hà Tĩnh sản xuất hăng”, “Chiến dịch Bồng Sơn”.

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, ngày 27/4/1960, Tỉnh ủy Hà Tĩnh ra Quyết định số 144-QĐ/TU về việc thành lập Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh. Tháng 5/1960, Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ nhất được tiến hành. Sự thành lập Đảng bộ thị xã là một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của Đảng bộ và Nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, Nhân dân thị xã Hà Tĩnh cùng với Nhân dân tỉnh nhà chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất Chủ nghĩa xã hội, dồn sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.Cùng với cả tỉnh, Đảng bộ, quân và dân thị xã Hà Tĩnh bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với một khí thế mới, quyết tâm mới.

Ngày 12/3/1965, Hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng nhận định: “Sắp tới, đế quốc Mỹ nhất định sẽ dùng máy bay đánh vào Hà Tĩnh, mục tiêu trước hết vẫn là các vị trí xung yếu về quốc phòng: Đài quan sát, trạm rađa, doanh trại bộ đội. Hội nghị đề ra nhiệm vụ trước mắt cho Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh là “khẩn trương làm tốt công tác phòng không nhân dân, tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ ngay từ trận đầu”.

Trận đánh ngày 26/3/1965 diễn ra quyết liệt, địch tổn thất nặng nề, ta giành thắng lợi lớn(sau hơn 2 giờ 40 phút chiến đấu, quân dân thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 12 máy bay Mỹ). Ngày 02/4/1965, hơn 500 đại biểu quân dân, cán bộ, đảng viên tỉnh nhà đã về thị xã dự lễ mừng chiến thắng. Cũng tại buổi lễ này, lực lượng dân quân, tự vệ và cán bộ, công nhân, viên chức thị xã Hà Tĩnh được trao tặng Huân chương Quân công hạng Ba.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mỗi người dân trên mảnh đất này chẳng hề tiếc máu xương sẵn sàng chi viện đắc lực cho tiền tuyến “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, góp phần vào thắnglợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sáng ngày 15/5/1975, sân vận động thị xã đỏ rực băng cờ, khẩu hiệu đón chào hơn 3 vạn Nhân dân về dự lễ mít tinh trong niềm vui chiến thắng. Lực lượng dân quân, tự vệ, đại diện các tầng lớp nhân dân, các ngành, các giới của thị xã vinh dự được thay mặt cho các địa phương khác trong tỉnh tham gia cuộc diễu hành trong không khí hân hoan, tự hào của ngày hội lớn.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trải qua bao gian khổ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân thị xã Hà Tĩnh không ngừng lớn mạnh về mọi mặt trên con đường cách mạng. Với vị trí tỉnh lỵ của một tỉnh trung tuyến, thị xã Hà Tĩnh phải đương đầu với bao khó khăn, thử thách ác liệt và phải gánh chịu những tổn thất chưa từng thấy, nhà cửa, trường học, cơ quan... trên địa bàn hầu như bị bom đạn san phẳng.Một trong những thành tích quan trọng là trong nhiều năm liên tục, thị xã luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển quân, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong và được công nhận là một trong những đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh. Trong10 năm 1965 - 1975, đã huy động được 4.812 thanh niên nhập ngũ, 2.884 lượt người tham gia thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, riêng năm 1971 vượt 8%. Báo Hà Tĩnhngày 25/3/1972 viết: “Từng trang cuốn sổ vàng ghi tên những người đi đánh Mỹ... Tên người, chữ ký của chính tay những người thanh niên thị xã viết kèm theo đó là lá đơn tình nguyện với mọi kiểu chữ, mọi cách nói, ngắn dài khác nhau. Có nhiều lá đơn và chữ ký với lời hứa quyết tâm viết bằng máu”. Chi đoàn Lý Tự Trọng, Hợp tác xã Hợp Lực đã có 50% đoàn viên và thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Nhiều gia đình có ba, bốn người con, cả cha và con cùng lên đường nhập ngũ. Tổ trực chiến của Chi đoàn Hợp tác xã Hồng Tiến nắm chắc tay súng, trong bốn năm đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ và phối hợp bắn rơi 4 chiếc khác.

Sự cống hiến và hy sinh to lớn của quân và dân thị xã đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Đảng bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Có 8 địa phương, đơn vị là: các phường Đại Nài, Hà Huy Tập, Thạch Linh, Thạch Quý, Văn Yên; các xã Thạch Bình, Thạch Hạ, Thạch Trung, Trung đội súng máy 12,7mm dân quân tự vệ thị xã Hà Tĩnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 12 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 03 cá nhânngười thị xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng: Anh hùng Lao động Trương Sỹ,Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Hạnh,Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Hồng.

Ngoài ra, còn rất nhiều chiến sĩ dũng cảm như Lê Sỹ Bích thuộc Đại đội Nguyễn Viết Xuân kiên cường đánh trả máy bay Mỹ và đã anh dũng hy sinh; Nguyễn Văn Tư, là chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, chiến đấu gan dạ, dũng cảm, dù bị địch bắt, giam cầm, tra tấn nhưng vẫn một mực kiên trung với Đảng, với tổ chức,cùng đồng đội tiếp tục đấu tranh. Phan Tử Quang bằng tài năng, sáng tạo và ý chí kiên cường, đã góp phần cùng đồng đội và Nhân dân lắp đặt thành công đường ống xăng dầu dài 5.000km, chạy dài từ Đồng Đăng (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), vượt Trường Sơn vào tới Bù Gia Mập (Đông Nam Bộ), chuyển tải gần 300.000 tấn xăng, phục vụ hơn 10.000 xe vận tải và 1.500 phương tiện cơ động cho chiến trường miền Nam; chị Trần Thị Hường ở Đồng Quế (một trong 10 cô gái), cùng đồng đội đã anh dũng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ ở Ngã ba Đồng Lộc.Đất Thành Sen còn ghi công 10 cô gái núi Nài, 48 thiếu nhi khu phố Thành Đông; Ngô Thị Kim Kiếm, Lê Thị Cúc, Nguyễn Thị Hoa trực suốt ngày đêm nơi trận địa làm nhiệm vụ cứu thương; Bí thư Chi bộ Nguyễn Quán (Thạch Hòa) - Chủ nhiệmHợp tác xã Nguyễn Tiến Trọng dũng cảm cứu người; Xã đội trưởng Nguyễn Duy Thủy (Thạch Linh) “gánh bom đổ xuống vực”; những chiến sĩ dân quân trực chiến ở cầu Đông, cầu Cày, cầu Phủ, núi Nài; xã viên các hợp tác xã Hợp Lực, Động Lực vừa sản xuất vừa trực tiếp bốc xếp hàng hóa, gạo để kịp vận chuyển vào Nam; hay những người công nhân lái xe của công ty Ô tô, đêm đêm đưa hàng qua phà Bến Thủy, sông Gianh... Bao xương máu, mồ hôi, nước mắt của người dân Thành Sen đã đổ xuống vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Trong hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lâu dài và gian khổ, với tinh thần “thà hi sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, quân và dân Thành Sen không hề tiếc máu xương, đóng góp nhân lực, vật lực, tích cực chi viện cho tiền tuyến, cùng Nhân dân cả nước đưa sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, ghi thêm những chiến công hiển hách trong trang sử vàng của quê hương, đất nước. Ghi nhận công lao đóng góp to lớn và những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tháng 12 năm 1998, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hà Tĩnh vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

IV. Thị xã Hà Tĩnh thời kỳ nhập tỉnh Nghệ - Tĩnh (1976 - 1991)

Sau ngày đại thắng 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất. Trước năm 1975, về mặt tổ chức, mặc dù là đơn vị trực thuộc tỉnh, nhưng thị xã Hà Tĩnh vừa làm chức năng của cấp hành chính ngang huyện vừa phải làm chức năng của cấp cơ sở. Năm 1977, thành lập hai tiểu khu Bắc Hà và Nam Hà, tiểu khu chưa phải là cấp cơ sở, mà chỉ có ban đại diện chính quyền, được Ủy ban nhân dân thị xã ủy nhiệm điều hành một số công việc ở khối phố.

Ngày 27/12/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V đã quyết nghị phê chuẩn hợp nhất một số tỉnh, trong đó có việc hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ tháng 01/1976, các cơ quan cấp tỉnh hoạt động dưới sự lãnh đạo, quản lý của Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh Nghệ Tĩnh. Bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, mặt trận cấp tỉnh của Hà Tĩnh chuyển ra Vinh và sáp nhập với các cơ quan, tổ chức của Nghệ An. Các công ty, xí nghiệp thuộc tỉnh hầu hết cũng chuyển ra Vinh, thị xã Hà Tĩnh không giữ vai trò trung tâm tỉnh lỵ mà chỉ là đô thị phía Nam tỉnh Nghệ Tĩnh.

Ngày 26/3/1976, Nghệ Tĩnh khởi công xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ với dung tích 345 triệu mét khối nước, đủ sức tưới cho 20.000 ha ruộng của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thị xã Hà Tĩnh. Cùng với Nhân dân toàn tỉnh, thị xã đã huy động hàng nghìn lượt dân công, hàng vạn ngày công tham gia công trình đại thủy nông này. Ngoài ra, lực lượng dân công thị xã Hà Tĩnh còn tham gia xây dựng các công trình tiêu úng sông Nghèn, Vách Bắc và nhiều công trình khác.Tháng 6/1976, Đại hội Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh lần thứ IX được tiến hành. Đây là Đại hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất và sáp nhập tỉnh.

Từ những năm đầu thập niên 1980, bằng việc động viên mọi nguồn lực và sự đóng góp lao động của nhân dân, nhiều côngtrình được xây dựng và sửa chữa như: Rạp 26/3, Nhà hát Nhân dân, chợ tỉnh, Đường Phan Đình Phùng, điện chiếu sáng trên một số trục đường chính. Xây hội trường để mít tinh, hội họp; tôn tạo Khu lưu niệm Bác Hồ. Nâng bệnh xá lên thành Bệnh viện thị xã. Huy động hàng nghìn ngày công phát hoang cây cối, đào đất, dồn sức xây dựng Bệnh viện II; xây dựng trường học Nam Hà, Bắc Hà, nhà trẻ Liên Cơ, Trường năng khiếu Thị xã (nay là Trường Lê Văn Thiêm). Đây là những công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống dân sinh.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), trong 05 năm từ 1986 - 1991, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Hà Tĩnhđã giành được những thành tựu nổi bật có ý nghĩa:Tạo một bước chuyển biến mới về nhận thức, quan điểm, tổ chức, cơ chế quản lý, trên cơ sở đó phát triển sản xuất hàng hóa bao gồm nhiều thành phần kinh tế tham gia mà trọng tâm là kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã. Thực hiện tốt hai chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, từ đó giải quyết việc làm, từng bước ổn định đời sống người lao động. Nhanh chóng xây dựng quy hoạch thị xã với quy mô trên ba vạn dân; kết cấu hạ tầng, điện, nước, đường sá được quan tâm.

Trong những năm 1989 - 1990, tình hình quốc tế diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là cuộc khủng hoảng chính trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tìm mọi thủ đoạn chống phá quyết liệt các nước xã hội chủ nghĩa. Ở trong nước, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Thị xã Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung đứng trước những thử thách cam go. Nhưng với quyết tâm xây dựng thị xã Hà Tĩnh ngày càng vững mạnh về mọi mặt, cấp ủy, chính quyền chủ trương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao sản lượng, chất lượng các sản phẩm, khuyến khích sản xuất mặt hàng mới, mở rộng thị trường tiêu thụ; xác định đúng vị trí của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; coi trọng các yếu tố phục vụ sản xuất. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích nông dân sản xuất thâm canh, tăng năng suất; tăng nguồn vốn trong các hợp tác xã để có điều kiện hỗ trợ cho nông dân. Kịp thời sửa chữa những lệch lạc trong thực hiện cơ chế Khoán 10; tập trung triển khai xây dựng và hoàn thành các công trình Khu lưu niệm Bác Hồ, đường Đồng Vinh, Trạm biến thế 320kW, hệ thống chiếu sáng Đường Phan Đình Phùng, nâng cấp Chợ tỉnh, đường giao thôngcác xã, tuyến đường đi Hộ Độ, Quốc lộ 1A, xây dựng Trạm phát hình, Nhà máy nước.

V. Thị xã Hà Tĩnh sau khi tái lập tỉnh (1991 -  2007)

1. Thị xã Hà Tĩnh trong những năm đầu tái lập tỉnh Hà Tĩnh (1991 - 2000)

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII (ngày 16/8/1991) đã quyết định chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh thành 02 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, ngày 28/8/1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 254-CT/TW về chỉ đạo triển khai cụ thể việc chia tách tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngày 10/9/1991, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (cũ) về việc chia tỉnh thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại cuộc họp, Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá cao vai trò của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Hà Tĩnh trong quá trình tổ chức sắp xếp, bố trí cho đội ngũ cán bộ cấp tỉnh về sinh sống, làm việc trên địa bàn.

Mặc dù tiếp nhận hàng ngàn người từ Vinh trở về trong khi cơ sở vật chất còn rất khó khăn, bất cập nhưng Đảng bộ và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh đã hết lòng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ tỉnh và gia đình sống và công tác khi về lại thị xã. Đến cuối năm 1991, đã có 73 cơ quan, đoàn thể, tổ chức, trên 2.000 cán bộ, công nhân viên và lực lượng vũ trang về làm việc trên địa bàn thị xã.Trong niềm hân hoan, phấn khởi sau ngày tái lập tỉnh, sáng ngày 02/9/1991, cùng với tỉnh, thị xã Hà Tĩnh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 160 năm thành lập tỉnh - thị xã Hà Tĩnh (1831 - 1991).

Từ cuối năm 1991 trở đi, thị xã Hà Tĩnh đã được các bộ, ngành trung ương quan tâm giúp đỡ và được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh muôn người như một, ra sức phấn đấu vươn lên với niềm tin tưởng vững chắc vào tương lai tốt đẹp của quê hương. Chỉ trong một thời gian ngắn, diện mạo thị xã đã có những đổi thay đáng phấn khởi. Ở phía nam thị xã đã hoàn thành việc xây dựng cầu Phủ, sân vận động thị xã, phía đông khởi công xây dựng cầu Đò Hà…

Năm 1992 - 1993, nhịp điệu xây dựng thị xã Hà Tĩnh càng hối hả, rộn ràng hơn. Các công sở của cơ quan tỉnh khẩn trương được xây dựng. Hơn 1.000 lô đất được bố trí cho cán bộ, công nhân viên mới về làm nhà ở theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Đường điện 110kV được kéo từ thành phố Vinh vào thị xã Hà Tĩnh, xây dựng trạm điện trung gian 2.200kW, Nhà máy nước công suất 5.000m3/ngày do Ôxtrâylia viện trợ, Bệnh viện đa khoa tỉnh đã có 500 giường bệnh... Thị xã Hà Tĩnh thực sự đổi mới về mọi phương diện, trong điều kiện khó khăn chung, nhưng đã đạt được một số thành quả nhất định. Đó là do sự cố gắng lớn của Đảng bộ và Nhân dân thị xã.

Nhìn lại chặng đường 10 năm tái lập tỉnh (1991 - 2000), thị xã Hà Tĩnh có những bước tiến mới rất cơ bản. Kinh tế tiếp tục phát triển, kết cấu hạ tầng được tăng cường đáng kể; văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống Nhân dân nhiều mặt được cải thiện; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Chất lượng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng tốt hơn. Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh nhiều năm được Tỉnh ủy công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Những thành tựu đạt được trên rất đáng phấn khởi, tự hào và có ý nghĩa quan trọng. Đó chính là tiền đề thuận lợi, là động lực to lớn thúc đẩy phong trào, động viên, cổ vũ Nhân dân thị xã Hà Tĩnh vững bước tiến lên với khí thế mới, quyết tâm mới.

2. Quá trình xây dựng, phát triển đô thị loại III, thành lập thành phố Hà Tĩnh (2000 - 2007)

Phấn đấu để đạt đô thị loại III và thành lập thành phố là nguyện vọng của Đảng bộ và Nhân dân thị xã, đồng thời cũng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển đô thị. Nhận thức rõ điều đó, cấp ủy, chính quyền đã xây dựng Đề án quy hoạch thị xã Hà Tĩnh đến năm 2020. Tháng 8/2002, Ủy ban nhân dân tỉnh đãcó Quyết định phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch thị xã Hà Tĩnh nhằm xây dựng thị xã Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại III.

Để tập trung xây dựng đô thị loại III, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/Th.U, ngày 24/12/2002 Về công tác quản lý quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trật tự kỷ cương xây dựng đô thị đến năm 2005 và những năm tiếp theo. Nội dung chủ đạo của Nghị quyết là: Trên cơ sở gắn với quy hoạch phát triển chung của tỉnh, đưa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vào nền nếp, đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, coi trọng hạ tầng kỹ thuật ở các xã ngoại thị để chuyển dần xã thành phường. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc. Xây dựng phải đi đôi với tổ chức quản lý, tăng cường kỷ cương văn minh đô thị, coi trọng công tác trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, thoát nước, xử lý chất thải, trồng cây xanh bảo vệ môi trường. Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động nguồn lực tham gia quản lý và xây dựng đô thị và coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên địa bàn. Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến những năm đầu của nhiệm kỳ 2005 - 2010, thị xã Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại III.

Việc cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh và thị xã quan tâm quy hoạch thị xã Hà Tĩnh, phấn đấu xây dựng đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư trên địa bàn. Ngày 02/01/2004, Chính phủ có Nghị định số 09/2004/NĐ-CP về việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Hà Tĩnh, sáp nhập 5 xã của huyện Thạch Hà là Thạch Hạ, Thạch Môn, Thạch Đồng, Thạch Hưng, Thạch Bình vào thị xã. Dân số thị xã Hà Tĩnh tăng từ 5 vạn lên gần 8 vạn người.

Như vậy, đến năm 2004, thị xã Hà Tĩnh đã có quá trình hình thành phát triển hơn 170 năm (trong đó có 80 năm được xác lập là Trung tâm đô thị Hà Tĩnh). Sau những lần sáp nhập, chia tách, thị xã Hà Tĩnh có những bước phát triển đáng kể: Từ năm 1975 - 1980, thị xã Hà Tĩnh chỉ có 02 tiểu khu Bắc Hà và Nam Hà. Năm 1981, thành lập 02 phường Bắc Hà và Nam Hà. Năm 1989, mở rộng địa giới hành chính lần thứ nhất, sáp nhập thêm 6 xã của huyện Thạch Hà vào thị xã Hà Tĩnh. Năm 1994, thành lập 02 phường mới là Trần Phú và Tân Giang. Năm 2004, sáp nhập thêm 5 xã của Thạch Hà; xây dựng xã Đại Nài thành phường Đại Nài và xã Thạch Phú thành Phường Hà Huy Tập. Với vị trí địa lý, quy mô diện tích, dân số và kết cấu hạ tầng,… Đối chiếu với quy định, thị xã Hà Tĩnh đã đạt được một số tiêu chí cơ bản đô thị loại III, một số tiêu chí đến ngưỡng, phải phấn đấu đạt được trong những năm tiếp theo.

Trước yêu cầu phát triển thị xã Hà Tĩnh thành đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, ngày 15/12/2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thị xã Hà Tĩnh đến năm 2010 và những năm tiếp theo; ngày 25/12/2004, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/Th.U về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU là trách nhiệm của Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh, của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị; trong đó, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Hà Tĩnh đóng vai trò hết sức quan trọng. 

Ngày 19/7/2006, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 1048-QĐ/BXD về việc công nhận thị xã Hà Tĩnh là đô thị loại III. Ngày 19/8/2006, cấp ủy, chính quyền thị xã đã tổ chức lễ công bố thị xã Hà Tĩnh là đô thị loại III và tiếp tục phát động phong trào thi đua quyết tâm xây dựng và phát triển thị xã sớm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Trên cơ sở quy hoạch chung thị xã Hà Tĩnh đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, cùng với thị xã Hà Tĩnh xúc tiến bổ sung quy hoạch chung thị xã Hà Tĩnh và vùng phụ cận, đón đầu khai thác mỏ sắt Thạch Khê; lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 các phường trung tâm, các phường mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị phía Bắc cho phù hợp. Khớp nối quy hoạch chi tiết, rà soát, đánh giá tính khả thi để điều chỉnh phù hợp với quy hoạch chung và yêu cầu thực tế trong phát triển đô thị. Khảo sát quy hoạch chi tiết tại các khu vực trọng điểm, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn để quản lý và xây dựng phù hợp, trong đó tập trung khai thác Khu đô thị phía Bắc và phía Nam cầu Phủ, đảm bảo các tiêu chí của đô thị hiện đại, tránh xáo trộn hiện trạng dân cư đã ổn định, tập trung hướng quy hoạch mở rộng trung tâm đô thị ra phía đông bắc dọc theo hai trục Đường phía Nam Ngô Quyền và Đường Nguyễn Du kéo dài.Với cơ chế tài chính đặc thù, tỉnh đã tạo điều kiện cho thị xã Hà Tĩnh chủ động huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị. Trên cơ sở đó, thị xã Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp sử dụng nguồn vốn hiệu quả, xây dựng các công trình đường giao thông, hạ tầng các khu đô thị, trường học, bệnh viện và các công trình phúc lợi công cộng khác. Các công trình trọng điểm của tỉnh như: Đường Phan Đình Phùng kéo dài về phía tây (Đường Hàm Nghi) và hạ tầng đô thị hai bên đường được triển khai. Phối hợp với tỉnh để huy động, sử dụng vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nguồn vốn ODA vào xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.

Tháng 10/2006, đoàn công tác của Bộ Nội vụ về khảo sát, đánh giá các tiêu chí đô thị loại III trên cơ sở Đề án nâng cấp đô thị Hà Tĩnh, việc điều chỉnh địa giới hành chính và dân số các phường, thành lập các phường thuộc thị xã Hà Tĩnh được tiến hành, gồm: Điều chỉnh địa giới hành chính, dân số các xã Thạch Linh, Thạch Quý, Thạch Trung, phường Bắc Hà để thành lập Phường Nguyễn Du; thành lập phường Thạch Linh, phường Thạch Quý trên cơ sở diện tích và dân số còn lại của các xã này sau khi điều chỉnh địa giới hành chính. Điều chỉnh địa giới hành chính và dân số của phường Tân Giang, xã Thạch Quý và xã Thạch Yên để thành lập phường Văn Yên. Bộ Nội vụ chủ trì cùng các bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ phê duyệt, quyết định nâng cấp thị xã Hà Tĩnh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.Ngày 05/12/2006, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/Th.U Về đẩy mạnh huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển đô thị đến năm 2010và những năm tiếp theo.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là sau khi trở thành đô thị loại III, thị xã Hà Tĩnh đã có bước đột phá mạnh mẽ với gần 100 dự án có tổng số vốn đầu tư trên 1.500 tỉ đồng; tạo được sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân, huy động được sức dân, tạo sự chuyển biến bước đầu về ý thức văn minh đô thị. Đến giữa năm 2007, kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc và đủ điều kiện trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, thị xã Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ công bố Nghị định số 89/2007/NĐ-CP, ngày 28/5/2007 của Chính phủ về việc thành lập thành phố Hà Tĩnh và đón Huân chương Lao động hạng Nhất trong thời kỳ đổi mới.Ngày 20/6/2007, gần 1.000 đại biểu và khách mời trong và ngoài tỉnh, với gần 03 vạn quần chúng nhân dân có mặt tại sân vận động tỉnh để chứng kiến sự kiện lịch sử quan trọng: Kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, công bố Nghị định của Chính phủ về việc thành lập thành phố Hà Tĩnh và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thành phố Hà Tĩnh được thành lập là bước phát triển tất yếu, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020; là cơ sở quan trọng tạo điều kiện để phát huy tốt chức năng đô thị của khu vực trung tâm tổng hợp cấp tỉnh, cấp vùng; tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vốn trong và ngoài nước.

Những thành quả đạt được là một quá trình phấn đấu bền bỉ và quyết tâm cao của Đảng bộ và Nhân dân thành phố; là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ, ủng hộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đến Trung ương; hệ thống chính trị và Nhân dân thành phố đã vào cuộc quyết liệt, đoàn kết, huy động tối đa các nguồn lực cùng với cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng với quyết tâm chính trị cao xây dựng thành phố đạt đô thị loại II và phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững.       

VI. Những thành tựu nổi bật của thành phố Hà Tĩnh sau 17 năm thành lập và 5 năm Đô thị loại II

1. Những thành tựu nổi bật

Sau khi trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Đây là giai đoạn thành phố tập trung cao độ triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh, của thành phố để hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị loại III; đồng thời triển khai thực hiện các tiêu chí của đô thị loại II; tạo bước đột phá mạnh mẽ trong đầu tư xây dựng các công trình, kết cấu hạ tầng quan trọng trên địa bàn, làm thay đổi cơ bản bộ mặt đô thị. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đề ra phương hướng, mục tiêu tổng quát:Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đô thị; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế; chuyển dịch mạnh mẽ kinh tế đô thị; tập trung cao xã hội hóa và huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng và phát triển thành phố. Thực hiện hiệu quả nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Giữ vững ổn định chính trị;nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Với mục tiêu: Xây dựng thành phố Hà Tĩnh giàu mạnh, văn minh, hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh là then chốt; xứng đáng với vị thế trung tâm tỉnh lỵ; đạt đô thị loại II trước năm 2018”.

Trong 03 năm 2016 - 2018, thành phố đã xã hội hóa huy động nguồn lực xây dựng đô thị loại II đạt hơn 7.000 tỷ đồng. Tập trung hoàn thành quy hoạch sáu khu đô thị mới với diện tích 755 ha; quy hoạch chi tiết một số phường, quy hoạch sử dụng đất thành phố. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai, thành phố đã phối hợp với tỉnh thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chi tiết một số phường, quy hoạch sử dụng đất thành phố đến năm 2020. Thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, kết hợp với nâng cấp, chỉnh trang, đầu tư xây dựng mới các công trình kết cấu hạ tầng nhằm thay đổi bộ mặt đô thị và phát triển không gian đô thị. Hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII, XIX và XX đề ra đều đạt và vượt kế hoạch.

Thành phố là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh ban hành quy chế đối thoại, tiên phong trong việc thực hiện Quy định tiêu chí đánh giá, chấm điểm, phân loại người đứng đầu đơn vị sự nghiệp và Chủ tịch UBND các phường, xã được tỉnh và các sở, ngành đánh giá cao. Chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phần mềm đánh giá, phân loại, chấm điểm người đứng đầu, tiến tới thực hiện tin học hóa trong khâu đánh giá cán bộ. Ban hành Quyết định về Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong các cơ quan, đơn vị. Thực hiện hiệu quả các quy chế, quy định đã góp phần  làm hài lòng người dân và doanh nghiệp.

Công tác đối ngoại được quan tâm, đẩy mạnh, thành phố đã tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công, nguồn ODA và nguồn vốn đầu tư khác để triển khai các dự án trọng điểm, dự án quan trọng, cấp bách trên địa bàn. Tiếp tục củng cố, phát triển sâu rộng hơn nữa các mối quan hệ hữu nghị với các đối tác truyền thống như: Huyện Pạc Xăn - tỉnh Bolykhămxay (Lào), Thị xã Nakhon Phanom - Vương Quốc Thái Lan. Đồng thời, thành phố đã phối hợp với tỉnh đảm bảo an toàn tuyệt đối các chuyến thăm, làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn khách quốc tế. Tạo được dấu ấn đậm nét về một thành phố xanh, sạch, thân thiện, mến khách, bình yên.

Thành phố trở thành “trái tim” của tỉnh không chỉ thể hiện vị trí, vai trò của đô thị trung tâm trong giai đoạn mới mà còn là trọng trách của thành phố đối với sự phát triển của cả tỉnh. Sự quan tâm này đã thực sự tạo động lực mạnh mẽ, tác động đến tư duy của các cấp chính quyền, mỗi cán bộ và người dân thành phố Hà Tĩnh.Cấp ủy, chính quyền thành phố nâng cao năng lực, tâm huyết, khơi dậy khát vọng của đội ngũ cán bộ để vừa đáp ứng yêu cầu mới, đồng thời tạo sức lan tỏa tinh thần, nghị lực và sức mạnh của toàn dân cho các nhiệm vụ như: Hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II một cách vững chắc; phát huy nguồn lực, huy động xã hội hóa về phát triển hạ tầng, trong đó, ưu tiên phát triển không gian xanh, sạch, đẹp, kết nối với những dự án hạ tầng trọng điểm, tạo thành những trục không gian đô thị mới.

Sau 12 năm phấn đấu và phát triển, với những thành quả đạt được, ngày 13/02/2019 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 175 công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Thành phố Hà Tĩnh tự hào là một trong 29 đô thị loại II của cả nước. Kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,16%; thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 đạt 1.642 tỷ đồng, tăng 8 lần so với năm 2006 (thời điểm đạt đô thị loại III), chiếm 1/3 tổng thu ngân sách của các huyện, thị xã trong toàn tỉnh; thu nhập đầu người ngày càng tăng, đạt 47,3 triệu đồng/năm (tăng 3 lần so với năm 2006); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 2,26%. Không gian đô thị phát triển theo hướng mở rộng bền vững. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bước đầu đặt nền móng khởi động các yếu tố cấu thành đô thị thông minh. Hệ thống giao thông nội thị, giao thông đối ngoại được cải tạo và nâng cấp; hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, các công viên, hồ điều hòa được quan tâm đầu tư tạo cảnh quan và môi trường xanh, sạch cho thành phố.

Ngày 20/4/2019, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của thành phố, cũng là niềm vinh dự, động viên, khích lệ lớn lao, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Hà Tĩnh tiếp tục vươn lên giành nhiều thành tựu lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển, đáp ứng kỳ vọng xứng tầm là đầu tàu, kết nối với các đô thị và các địa phương trong tỉnh, khu vực. Từ đây, thành phố được nâng lên một vị thế mới, xung lực mới, sức lan tỏa mới, là tiền đề đặc biệt quan trọng cho giai đoạn xây dựng thành phố Hà Tĩnh có kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; chính trị ổn định, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; có quy mô phù hợp, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước thông minh, hiện đại, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.

Đề án “Xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Đô thị thông minh đến năm 2025 và những năm tiếp theo” được xây dựng với các mục tiêu mở rộng không gian đô thị, phát triển trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng, đa dạng hình thức kết nối với các tỉnh, khu vực; kinh tế tăng trưởng bền vững, hấp dẫn đầu tư, có các dịch vụ chất lượng cao, môi trường sống hài hòa, thu hút dân cư và lao động; đầu tư một số tuyến giao thông, thoát nước mưa, thoát và xử lý nước thải nhằm kết nối mạng lưới hạ tầng chính đô thị và vùng phụ cận; có các đơn vị quy mô chuẩn quốc tế, có năng lực, cơ sở vật chất chất lượng cao trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... Xây dựng định hướng phát triển không gian theo hướng kết nối với vùng phụ cận và nội thành.

Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tạo niềm tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận, gắn với xây dựng Đề án điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh; chấp thuận triển khai 8 dự án về nâng cấp hạ tầng đô thị, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; xã hội hóa đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn...

Tập trung thực các dự án kết cấu hạ tầng trọng yếu làm tiền đề mở rộng các “trục” của không gian đô thị theo hướng công nghiệp phía Tây và kinh tế biển về phía đông như: dự án đường vành đai phía Đông thành phố Hà Tĩnh (tổng vốn gần 1.000 tỉ đồng); dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh (tổng vốn hơn 150 triệu USD từ nguồn vốn ADB và đối ứng địa phương); dự án đường Xuân Diệu kéo dài...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, đề ra Mục tiêu: Xây dựng thành phố Hà Tĩnh có kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; có quy mô phù hợp, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước thông minh, hiện đại, phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Với vị thế đô thị tỉnh lỵ, đảm nhận chức năng trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại của tỉnh; trung tâm kết nối vùng với các đô thị ven biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, các tỉnh bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Sau 5 năm đạt đô thị loại II, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất đạt 11,87%; tổng thu ngân sách đạt 1.213 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng đô thị từng bước được đầu tư, nâng cấp; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Thành phố đã quyết tâm phủ kín cây xanh bằng Đề án 100.000 cây xanh đô thị, nhằm đa dạng mảng xanh đô thị; xây dựng thành phố không chỉ từng bước thông minh, hiện đại mà còn thân thiện và là nơi đáng sống. Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, giáo dục dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng đại trà cũng như học sinh giỏi, tổ chức nhiều hoạt động, mô hình giáo dục bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực; công tác an sinh xã hội được triển khai đồng bộ với nhiều mô hình, cách làm hay. Cải cách hành chính, chuyển đổi số được các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện. Quốc phòng, an ninh được tăng cường.

2. Định hướng phát triển trong thời gian tới

Một là, Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và hiệu quả hoạt động của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tập trung hướng mạnh về cơ sở. Tăng cường đổi mới, sáng tạo, bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI; mở rộng địa giới gắn với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; tập trung huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm; phát triển kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai là,Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược; xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ các dự án biến đổi khí hậu, các tuyến giao thông trọng điểm, dự án thoát nước, dự án ngầm hóa hệ thống điện và cáp viễn thông. Thành phố Hà Tĩnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố; tổ chức, sắp xếp lại đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025. Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Đề án thí điểm đô thị thông minh. Theo đó, dự kiến phương án mở rộng thành phố Hà Tĩnh sẽ theo 3 hướng: hướng Tây - mở rộng đô thị vượt qua đường tránh quốc lộ 1, kết nối với khu công nghiệp và đầu mối giao thông cao tốc quốc gia (đường bộ, đường sắt), phát triển những khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ; hướng Nam - mở rộng đô thị kết nối với các khu phát triển hỗn hợp, khai thác cảnh quan hai bên sông Rào Cái, Đại học Hà Tĩnh, khu đào tạo - nghiên cứu và sản xuất; hướng Đông - mở rộng đô thị vượt sông Rào Cái về phía biển Đông để phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị và nông nghiệp công nghệ cao kết nối với chuỗi đô thị ven biển của tỉnh.Các phương án đảm bảo các yếu tố động lực phát triển bền vững cho thành phố, hình thành trọn vẹn không gian theo cả 2 trục Bắc - Nam, Đông - Tây (hiện nay theo trục Bắc - Nam); phát triển sản xuất, hình thành cụm công nghiệp kết hợp trung tâm logistics; kết nối với các khu đào tạo, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ của tỉnh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào kỹ năng và đổi mới sáng tạo; phát triển đô thị sang phía Đông để mở rộng không gian hướng ra biển.Cùng với việc mở rộng không gian, thành phố chú trọng đổi mới công tác quy hoạch, đưa ra các phương án quy hoạch không gian tối ưu, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất và mang lại chất lượng sống tốt nhất cho người dân; có tầm nhìn xa, đáp ứng quá trình gia tăng dân số và quy mô dân trong tương lai; đồng bộ với nhiều ngành, lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ba là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng. Tiếp tục phát huy những đặc trưng, lợi thế của vùng ven đô để nhân rộng các mô hình; tập trung xây dựng kinh tế nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái bền vững; xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”. Triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá bản sắc văn hóa, tiềm năng du lịch thành phố Hà Tĩnh đến với người dân, du khách và nhà đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường liên kết vùng. Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thành tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với chủ đề “Phát triển xanh”. Tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn, đa giá trị, gắn với dịch vụ, chế biến, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế mặt nước (ngọt, mặn lợ) khu vực sông Đông, sông Phủ, sông Rào Cái....

Bốn là, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược; tích cực bám các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan cấp tỉnh để xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ Dự án thích ứng với biển đổi khí hậu thành phố Hà Tĩnh, các tuyến giao thông trọng điểm, các dự án thoát nước, dự án ngầm hóa hệ thống điện và cáp viễn thông. Phối hợp thực hiện mở rộng địa giới hành chính thành phố; thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 gắn với hoàn thiện các tiêu chí để các xã: Thạch Trung, Thạch Hạ, Thạch Hưng, Đồng Môn lên phường. Phối hợp các sở, ngành và nhà đầu tư nghiên cứu, thống nhất ý tưởng, chuẩn bị các điều kiện, thủ tục đề xuất chủ trương xây dựng Không gian Văn hóa Nguyễn Du - Truyện Kiều. Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng phường đạt chuẩn văn minh đô thị; xây dựng tuyến đường văn minh đô thị theo kế hoạch, chỉnh trang đô thị, nhất là tại các tuyến đường chính của thành phố. Lựa chọn, xây dựng thêm 02 phường đạt chuẩn văn minh đô thị kiểu mẫu. Chỉ đạo xã Đồng Môn đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; các xã: Thạch Hạ, Thạch Trung, Đồng Môn, Thạch Hưng tập trung thực hiện các tiêu chí theo đề án thành lập phường.

Năm là, tổ chức tốt công tác tuyên truyền và các hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể dục, thể thao gắn với các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi trong quần chúng nhân dân.Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tiếp tục thực hiện “Trường học hạnh phúc”, triển khai xây dựng “Trường học thông minh”, hệ thống mô hình trải nghiệm trong trường học của toàn thành phố.Nâng cao chất lượng khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là chuyển đổi số; chăm lo giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thành phố bình yên.

Bảy là, tập trung xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở vững mạnh toàn diện; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới phương thức hoạt động và phản biện xã hội của mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao trong Nhân dân. Thực hiện tốt cải cách hành chính, quy chế dân chủ ở cơ sở. Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Phát động các phong trào thi đua, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, góp phần hoàn thành nhiệm vụ có hiệu quả thiết thực.

Quá trình 100 năm hình thành và phát triển (11/6/1924 - 11/6/2024), trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, Trung tâm Đô thị Hà Tĩnh - thành phố Hà Tĩnh luôn đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Với vị thế của một trong những đô thị có bề dày lịch sử, truyền thống; với sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên của Đảng bộ và Nhân dân thành phố và sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, thành phố có nhiều cơ hội để phát triển và trở thành một trong những trung tâm đô thị của vùng Bắc Trung bộ. Nhìn lại chặng đường đã qua, Đảng bộ và Nhân thành phố càng thêm tin tưởng và tự hào quyết tâm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, xây dựng thành phố Hà Tĩnh giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với tầm vóc, vị thế đã được xác định.

BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 213.170
    Online: 7