Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu qủa sang nuôi trồng các loại cây, con phù hợp với sự biến đổi khí hậu đã đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu cho nhiều hộ dân ở xã Thạch Trung.

Những năm gần đây thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt là nắng hạn kéo dài và sâu bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa nước. Trên địa bàn xã Thạch Trung có nhiều diện tích đất trồng lúa có địa hình cao rất khó khăn trong việc điều tiết nước và có những cánh đồng thấp trũng nên thường bị ngập úng vào mùa mưa dẫn đến nhiều hộ dân không mặn mà với việc trồng lúa, ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều. Trước thực trạng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả xã Thạch Trung đã có chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất khác phù hợp với điều kiện của tùng xứ đồng. Song song với việc chuyển đổi là áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ để cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Từ công tác tuyên truyền, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang trồng các loại cây có giá trị cao, phù hợp với thị trường.  Chẳng hạn như xứ Bờ Gò nhiều năm liền người dân bỏ hoang do địa hình quá cao nên rất khó điều tiết nước cho lúa. Nắm bắt được cơ chế, chính sách của thành phố và xã anh Võ Tá Thanh – chi hội trưởng  nông dân thôn Trung Phú đã mạnh dạn làm đơn xin chính quyền cho thực hiện việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng rau, củ, quả tổng hợp. Với diện tích trên 1,1 ha đất trồng lúa kém hiệu quả anh Võ Tá Thanh đã xây dựng 500 mét vuông nhà lưới trồng dưa lưới, 200 gốc bưởi da xanh và 200 gốc ổi Đài Loan. Mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả khi anh đã thu hoạch lứa dưa lưới đầu tiên ứng dụng công nghệ cao với sản lượng gần 2 tấn, doanh thu gần 50 triệu đồng. Những gốc bưởi, ổi được áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và cách chăm sóc theo hướng Vietgap nên các loại cây trồng của gia đình anh phát triển rất tốt hứa hẹn cho năng suất cao.

Mô hình sản xuất tập trung của anh Võ Tá Thanh thôn Trung Phú.

Đối với vùng trồng lúa ở chân ruộng trũng hoặc ruộng bị nhiễm mặn, phèn toàn xã đã chuyển đổi được 10ha sang nuôi trồng thủy sản tập trung hoặc chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Nguyễn Xuân Lộc – Chi hội trưởng nông dân thôn Đức Phú cho biết cánh đồng Bát Mậu mấy năm gần đây nông dân gần như bỏ hoang do ruộng trũng thường xuyên bị ngập úng không thể sản xuất được. Nhận thấy việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất tổng hợp đặc biệt là nuôi trồng thủy sản là một hướng đi đúng đắn anh đã thực hiện chủ trương của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc tích tụ hơn 3 ha đất trồng lúa sâu trũng sang nuôi trồng thủy sản. Đến nay mô hình của gia đình anh đã xây dựng được 02 hồ nuôi 6 vạn tôm càng xanh và 01 hồ nuôi 2 vạn cá rô đầu vuông, anh cho biết sắp tới sẽ cải tạo thêm để xây dựng nhà lưới trồng rau, củ, quả và xây thêm chuồng trại chăn nuôi. Với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng mô hình của anh Nguyễn Xuân Lộc hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành công.

Mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Nguyễn Xuân Lộc thôn Đức Phú.

 Mô hình cá lúa của các chi hội Nam Phú, Đức Phú, Bắc Phú cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao khi kết hợp 1 vụ lúa xuân với  nuôi cá nước ngọt cho lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha, cao gấp 5-7 lần trồng lúa.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới. Với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững, thân thiện môi trường hy vọng xã Thạch Trung sẽ có sự thay đổi vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 208.416
    Online: 3