Những năm qua, nền kinh tế - xã hội của xã với những bước phát triển mạnh mẽ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tổng thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng đồng bộ; hệ thống giao thông phần lớn được thảm nhựa và bê tông hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao ... đây là bàn đạp, là tiền đề vững chắc để xã Thạch Trung chuyển thành phường.

 

 

Xã Thạch Trung thuộc xã đồng bằng, nằm ở cửa ngõ phía Bắc đi vào thành phố Hà Tĩnh. Đường Quốc lộ 1A nối từ thành phố Hà Tĩnh đến cầu Cày, chạy dọc phía Tây của xã. Tuyến đường Tỉnh lộ 9 từ thành phố đi cầu Hộ Độ chạy qua phần đất phía Đông của xã. Tuyến đường Ngô Quyền nối từ Nam Cầu Cày qua các thôn vùng Văn Hạnh đến xã Thạch Hạ. Tuyến đường Lê Ninh, đường Xuân Diệu kéo dài từ trung tâm Thành phố đến đường Trung – Hạ tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi. Sông Cày đoạn chảy qua Thạch Trung theo hướng vòng cung, bao quanh uốn lượn như dải lụa mềm ôm lấy toàn bộ phía Tây của xã. Với vị trí như vậy, xã Thạch Trung có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy rất thuận tiện.

Tổng diện tích đất tự nhiên toàn xã hiện nay là 614.62 ha. Trong đó: Đất nông nghiệp là 292.66 ha chiếm 47,61% tổng diện tích đất tự nhiên; Đất phi nông nghiệp là 311.10 ha chiếm 50.62% tổng diện tích đất tự nhiên; Đất chưa sử dụng là 11.34ha chiếm 1.85% tổng diện tích đất tự nhiên.

Xã hiện có 2.969 hộ, quy mô dân số là 10.733 người, trong đó: dân số nam 5.315 người (chiếm 49,5%), dân số nữ 5.418 (chiếm 50,5%). Về cơ cấu lao động: Tổng số người lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế 6.404 người, trong đó: Lao động nông nghiệp là: 1.102 người, chiếm 17,2%; Lao động phi nông nghiệp là: 5.302 người, chiếm 82,8%.

Nền kinh tế ngày càng phát triển theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, đến nay tỷ trọng ngành Thương mại – Dịch vụ chiếm 45,15%, Công nghiệp - xây dựng chiếm 30,22%, Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 24,63%; nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ được hình thành và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên, đến cuối năm 2022 thu nhập bình quân đầu người toàn xã ước đạt 54,5 triệu đồng/người/năm.

Đối chiếu tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, xã Thạch Trung đáp ứng đủ điều kiện để thành lập phường.

Về Tiêu chuẩn về quy mô dân số, tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên: Đã đạt.

Về Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/ UBTVQH15: Xã đã đạt 02/03 tiêu chí (Cân đối thu chi ngân sách và Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường), có 01 tiêu chí chưa đạt (Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều trung bình 03 năm gần nhất (%)).

Về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15: Xã đã đạt 08/13 tiêu chí, còn 05 tiêu chí chưa đạt (Cơ sở hạ tầng thương mại; Cơ sở giáo dục; Đất công trình văn hóa, thể dục, thể thao; Đất giao thông; Mật độ đường cống thoát nước chính).

Theo chủ trương, kế hoạch của Thành ủy và UBND thành phố, xã Thạch Trung sẽ phấn đấu trở thành phường trong năm 2023. Để đạt được mục tiêu trên, xã cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:

1. Phát triển kinh tế - xã hội:

Phát huy tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của phường nhằm duy trì ổn định sự phát triển của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, du lịch - công nghiệp, xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn phát triển; nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, du lịch.

- Thương mại - dịch vụ:

+ Chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế theo hướng kinh doanh dịch vụ, tập trung vào các ngành nghề chủ yếu như: nghề xây dựng, nghề mộc, dịch vụ vật liệu xây dựng, phân bón, hàng tạp hoá, vận tải, siêu thị Mini, Đại lý ô tô, chợ... Kêu gọi các tổ chức, cá nhân đứng ra xây dựng chuỗi nhà hàng ẩm thực ven sông Cày nhằm thu hút khách tham quan, du lịch.

+ Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, phấn đấu tốc độ tăng giá trị các ngành dịch vụ đạt 15% trở lên, thu hút đầu tư phát triển mạnh các loại hình dịch vụ đi đôi với việc nâng cao chất lượng sản phẩm để có các dịch vụ chất lượng cao.

+ Tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân tiếp cận các nguồi vốn hỗ trợ, vốn ưu đãi và các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch.

- Nông - lâm - thủy sản: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, quy trình kỹ thuật; mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Gắn xây dựng mô hình với cung ứng vật tư, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tập huấn, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Tiếp tục quan tâm đầu tư thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm;

+ Phát triển và nhân rộng mô hình các HTX nuôi tôm chất lượng cao. Tiếp tục chỉ đạo xây dựng, phát triển và nhân rộng 02 mô hình khu sản xuất tập trung công nghệ cao tại thôn Đức Phú, Trung Phú.

+ Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi từ đất lúa sang sản xuất tổng hợp (NTTS, rau, cây ăn quả) 4ha tại xứ đồng Bát Mậu; Tích tụ, tập trung sản xuất chuyên canh lúa 13ha tại xứ đồng Sác Năn, Sác Dâu, Đồng Bún, Đò Na; Xây dựng mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng rau, NTTS 1,5ha tại xứ đồng Vườn Hầu; Mô hình chuyển đổi đất lúa sang NTTS 4,0ha tại xứ đồng Sác Gò.

- Tài chính ngân sách: Tăng cường khai thác các nguồn thu trên địa bàn, thu đúng, thu đủ các loại thuế, phí và lệ phí, các loại quỹ theo quy định, nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất và thu khác nhằm hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm hằng năm.

2. Phát triển văn hóa - xã hội:

Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các hoạt động văn hóa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, phát triển các loại mô hình văn hóa, về thương mai dịch vụ và du lịch gắn với vùng miền. Đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, trong cộng đồng dân cư”. Quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thể dục - thể thao; nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc, phương tiện hoạt động của hệ thống truyền thanh thông minh bằng hệ thống CNTT-VT mới đưa vào hoạt động có hiệu quả để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp lụât của Nhà nước đến tân người dân.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mở các lớp đào tạo nghề cho lao động trong độ tuổi lao động và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, hỗ trợ phát triển văn hóa truyền thống để không làm mất đi các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế trên nền tảng của các giá trị văn hóa; tăng cường xã hội hóa xây dựng hạ tầng văn hóa - thể thao: sân chơi, bãi tập, các thiết chế văn hóa; nâng cao sức khỏe đời sống tinh thần cho Nhân dân.

- Hàng năm tổ chức các hoạt động TDTT quần chúng để nhằm thu hút các tầng lớp Nhân dân tham gia để lựa chọn các vận động viên xuất sắc tham gia các giải đấu do thành phố tổ chức,

- Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã đang khá cao, bình quân 3 năm gần đây đạt 1,98%/tổng dân số, vẫn cao so với tỷ lệ bình quân của thành phố. Để phấn đấu đưa xã trở thành phường trong thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển kinh tế; giúp người dân tiếp cận với các cơ chế, chính sách giảm nghèo; Lồng ghép truyền thông về các dự án giảm nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân sinh sống trên địa bàn theo các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư) phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Kết nối với các đơn vị liên kết đào tạo nghề, hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho người lao động có nhu cầu.

3. Phát triển hạ tầng kỹ thuật:

Thực hiện tốt nhiệm vụ về lĩnh vực quản lý sử dụng, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, theo Quy hoạch, quy định hiện hành, góp phần làm cho diện mạo đô thị có trật tự và bản sắc phát triển theo hướng hiện đại.

- Hạ tầng đường giao thông: Đẩy mạnh nâng cấp hệ thông giao thông hiện trạng từ trục xã, trục thôn, ngõ xóm; đầu tư xây dựng các tuyến đường chính trên địa bàn xã như: Đường Xuân Diệu kéo dài, Lê Ninh kéo dài, Nguyễn Huy Lung kéo dài, …. Đảm bảo kết nối với trung tâm thành phố. Đầu tư ngân sách hàng năm cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đô thị hiện hữu như: thảm nhựa các tuyến đường; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống đèn giao thông; sắp xếp trật tự kinh doanh trên các tuyến đường; rà soát, bổ sung hệ thống biển báo giao thông, các bến bãi đỗ xe, sơn kẻ vạch điểm dừng đỗ cho các phương tiện vận tải khách.

- Hệ thống tiêu thoát nước: Bên cạnh việc chỉnh trang, nâng cấp, sửa chữa hệ thống tiêu thoát nước chính của xã như kênh tiêu T4, kênh ISDP, cần bổ sung các hệ thống kênh tưới cấp 2 trên địa bàn xã như kênh tiêu khu vực chợ Bình Hương, dọc đường Xuân Diệu, Xây dựng hồ điều hòa Đập Hầu… Đồng thời tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các khu đô thị đã được phê duyệt giao cho các nhà đầu tư. Đầu tư ngân sách hàng năm cho việc cải tạo, nâng cấp Hệ thống tiêu thoát nước.

- Hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc: Phối hợp với ngành điện, công ty cấp nước Hà Tĩnh Khảo sát, bổ sung đầu tư xây dựng các hạ tầng cấp điện, cấp nước đảm bảo nhu cầu đô thị hóa trong thời gian tới, đặc biệt là các khu đô thị sắp triển khai.

Đề xuất và phối hợp với ngành viễn thông khảo sát và lập quy hoạch các khu vực bố trí trạm BTS đảm bảo cung cấp thông tin theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường. Đồng thời có kế hoạch ngầm hóa đường dây cáp quang tại các khu đô thị đã, đang và sẽ xây dựng.

- Hệ thống thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang: Do trên địa bàn chưa có Nhà máy xử lý nước thải, nên trong thời gian tới cần quy hoạch hạng mục này hoặc kết nối vào hệ thống xử lý nước thải của thành phố.

Đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý chất thải rắn theo đề án được thành phố phê duyệt, xử lý nghiêm các trường hợp đổ rác không đúng nơi quy định.

Hoàn thiện đầu tư mở rộng nghĩa trang Hoang Ca-Hoang Ích theo quy haoch được phê duyệt để đáp ứng nhu cầu trên địa bàn xã cũng như thành phố. Đầu tư hệ thống hàng rào mới tại nghĩa trang Cồn Ô để đóng cửa dứt điểm, có lộ trình cất bốc mộ đã chôn cất và xây dựng công viên cây xanh theo quy hoạch được duyệt.

4. Quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan đô thị:

Thực hiện tốt nhiệm vụ về về lĩnh vực quản lý đô thị như: quản lý quy hoạch kiến trúc theo quy định hiện hành, góp phần làm cho diện mạo đô thị có trật tự và bản sắc phát triển theo hướng hiện đại.

- Khu đô thị mới: Đô thị hóa tăng cao với nhiều khu đô thị mới hình thành nhằm đáp ứng các nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn. Triển khai xây dựng nhiều dự án khu đô thị mới như: KĐT sinh thái hai bên đường Ngô Quyền, Khu đô thị Nam Cầu Cày, Khu đô thị Thạch Trung –Nguyễn Du, Khu đô thị Mipec,….

- Khu cải tạo, chỉnh trang đô thị: Bên cạnh những khu đô thị mới và các khu chức năng, dịch vụ và du lịch sinh thái dự kiến sẽ đầu tư xây dựng, được sự quan tâm của các ban, ngành các cấp. Hàng năm bên cạnh việc đầu tư ngân sách cho việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật của đô thị hiện hữu, thì việc xây dựng phương án trồng cây xanh; ra quân tháo dỡ, giải tỏa nhiều hàng quán, lều bạt xây dựng trái phép trên vỉa hè, các mái che, mái vẩy, bàn ghế, biển quảng cáo các loại làm ảnh hưởng đến hành lang giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

- Không gian công cộng đô thị: thực hiện đầu tư xây dựng và hoàn thiện các khu vui chơi giải trí, phát triển thêm các khu không gian công cộng theo quy hoạch, đồng thời khuyến khích các tầng lớp nhân dân tích cực trồng thêm cây xanh đường phố và cây xanh tại khu ở, góp phần tạo cảnh quan môi trường đô thị.

5. Tài nguyên - môi trường:

- Thực hiện tốt quy định pháp luật đất đai, bám sát kế hoạch sử dụng đất hàng năm được phê duyệt để triển khai thực hiện.

- Phát triển quỹ đất có mục đích sử dụng phù hợp đặc biệt đất ở cho nhân dân và tăng cường quản lý đất đai, khai thác hết khả năng sử dụng đặc biết đất đang bỏ hoang như Sác Dâu, Sác Năn, Bát Mậu, Đập Hầu…

- Thực hiện thủ tục hành chính về đất đai khoa học, hiện đại và hiệu quả đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.

- Tuyên truyền pháp luật Đất đai – Môi trường để nâng cao ý thức chấp hành, sử dụng đúng mục đích, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất đai, giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai tồn đọng kéo dài.

6. Quốc phòng, an ninh:

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Xây dựng quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân vững chắc.

- Thực hiện tốt chính sách quốc phòng toàn dân, củng cố tăng cường lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên.

- Thường xuyên củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, đủ về số lượng và chất lượng, được trang bị kỹ thuật hiện đại, đảm bảo vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, sẵn sàng chiến đấu, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm, hạn chế và giảm thiểu các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông.

7. Nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị:

Thành lập phường trên cơ sở hiện trạng xã Thạch Trung, do vậy tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức của phường mới thành lập cơ bản giữ nguyên bộ máy và cán bộ, công chức của xã hiện tại. Trong quá trình chuyển mô hình quản lý chính xã thôn sang chính quyền đô thị, đề nghị UBND thành phố lập kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ, công chức phường về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền phường - chính quyền đô thị; riêng các Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và công chức địa chính - xây dựng của phường đề nghị bồi dưỡng thêm các nội dung chuyên sâu về quản lý, thực hiện quy hoạch đô thị, quản lý dân cư.

- Chuyển toàn bộ đại biểu Hội đồng nhân dân xã thành đại biểu Hội đồng nhân dân phường và hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định  của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đề nghị thành phố mở lớp bồi dưỡng kiến thức về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân phường, các chuyên đề về đô thị, xây dựng để phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Chuyển hệ thống công an xã thành công an phường, đầu tư xây dựng trụ sở đảm bảo làm việc, bố trí đầy đủ quân số quy định, hoạt động chuyên nghiệp, có hiệu quả nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh tôn giáo trên địa bàn./.

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
     Liên kết website
    Thống kê: 213.155
    Online: 10